Từ 1/7/2020: Hiệu trưởng trường công lập không còn là công chức

ANTD.VN -Cả nước hiện có khoảng 580.000 người là công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy vậy, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020) thu hẹp các đối tượng là công chức, không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức như hiện nay.

Hiệu trưởng trường công lập, lãnh đạo DNNN không còn là công chức

Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi quy định, công chức gồm công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm, được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong biên chế tại:

Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an,

Như vậy, theo định nghĩa trên, công chức không còn bao gồm người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương “không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, kể từ 1/7/2020, hiệu trưởng của các trường công lập, lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước... sẽ không còn được coi là công chức như hiện nay mà là viên chức quản lý, được hưởng các chế độ của viên chức.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, hiệu trưởng được xếp ngạch viên chức là hoàn toàn phù hợp. Khi đó bảng lương giáo viên, nhân viên của các trường học trong các đơn vị sự nghiệp công lập có 3 thang, bảng lương gồm bảng lương viên chức quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn), bảng lương chuyên môn của giáo viên đứng lớp và bảng lương của nhân viên (kế toán, văn thư, thư viện...).

Miễn nhiệm cán bộ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ

Ngoài quy định trên, một trong những điểm mới nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại thành 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và Không hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả này được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến người được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ này công tác. Ngoài ra, nếu 2 năm liên tiếp bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ thì cán bộ vẫn bị miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, việc đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Nếu như trước đây, Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì nay đã được quy định rõ theo từng công việc, sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục