Tranh luận: Phát triển làng rượu truyền thống hay làng không rượu bia?

ANTD.VN - Sáng 23-5-2019, thảo luận về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) không đồng tình với đề xuất nghiên cứu xây dựng, phát triển làng nghề rượu truyền thống của một nam đại biểu.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị nghiên cứu chính sách phát triển các làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thông và đưa vào dự thảo luật để chuyên muôn hoá, tăng cường chất lượng, uy tín rượu thủ công cũng như thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước. 

Giơ biển tranh luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên khuyến khích xây dựng các làng nghề rượu thủ công.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng không nên khuyến khích hình thành, phát triển các làng nghề rượu

Bà Khánh kể: "Tại hội nghị toàn cầu về phòng chống tác hại rượu bia, các tổ chức quốc tế đưa chúng tôi đi thăm một làng không rượu bia tại Thái Lan. Người dân trong làng sản xuất rất nhiều mặt hàng, riêng rượu bia không có. Cuộc sống trong làng rất trật tự, thanh bình và du khách tìm đến rất đông".

"Tôi mong muốn ở đất nước chúng ta có những ngôi làng như vậy. Dù không dễ nhưng nếu người dân tâm huyết và cùng chính quyền địa phương nỗ lực thì có thể xây dựng làng không rượu", bà Khánh nói. 

Góp ý xây dựng luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng dự thảo luật chưa thể hiện được căn bản vấn đề mà theo ông là xây dựng văn hoá.

“Quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể xoá bỏ thói quen, tập tục lạc hậu như uống rượu ép nhau…", ông Nhưỡng nói và cho rằng nên xây dựng văn hoá mới, ví dụ như đưa vào những quy tắc, quy chuẩn về uống rượu bia, những thói quen thanh lịch uống rượu bia mà nhiều nơi trên thế giới đã có.  

Trước việc dự thảo luật đưa trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội… vào danh sách địa điểm không được uống rượu bia, đại biểu đoàn Yên Bái băn khoăn: “Nếu quy định như vậy thì ai kiểm tra, ai xử lý?”.

Cho rằng nếu cấm tiếp khách ở trụ sở cơ quan làm việc thì người ta sẽ kéo ra ngoài hàng quán tiếp khách, bản chất vẫn là uống rượu, uống bia, ông Giàng A Chu kiến nghị: “Chỉ nên quy định không được uống rượu bia trong giờ hành chính, giờ làm việc còn ngoài giờ có thể tiếp khách tại những địa điểm trên”. 

Tranh luận lại ý kiến trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nếu chấp nhận cho uống rượu bia tại trụ sở cơ quan ngoài giờ hành chính vẫn có thể tạọ hệ luỵ, bởi uống rượu bia xong rồi lái xe có thể gây tai nạn hay xảy ra những va chạm không đáng có.

“Việc ra đời luật một là nỗ lực, đề cao sức khoẻ và tính mạng con người nên đề nghị giữ như dự thảo luật”, bà Khánh nói.