Tổng thư ký Quốc hội: Luật An ninh mạng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người dân

ANTD.VN - Tại buổi họp báo chiều nay, 15-6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi người dân là không đúng, hiện Facebook và Google cũng chưa có phản hồi chính thức nào.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 15-6

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định lùi thông qua dự án Luật đặc khu để tiếp thu tối đa ý kiến các ĐBQH, các chuyên gia và nhân dân để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6. Trong buổi họp báo chiều nay, báo chí đặt câu hỏi: “Việc lấy ý kiến nhân dân có được tiến hành một cách bài bản giống như các bộ luật lớn, quan trọng khác như Luật đất đai, Bộ luật Hình sự… hay không?” .

Trả lời, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật đặc khu), sau khi Quốc hội thảo luận trên hội trường, các ĐBQH cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Vừa qua cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học cũng có tham gia nhiều ý kiến khác nhau.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về dự án Luật này, đồng thời cũng đã tổ chức đi tìm hiểu các mô hình đặc khu ở nước ngoài để học tập, tham khảo.

“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì thế, vừa qua Quốc hội quyết định cho lùi lại để tiếp tục nghiên cứu. Trên cơ sở đó, nhiều điều khoản trong dự luật này mà còn thấy chưa phù hợp, chẳng hạn như quy định về thời hạn thuê đất 99 năm, hay một số vấn đề liên quan đến chính sách thuế… thì tới đây sẽ rà soát lại cho phù hợp” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

“Còn việc có đưa luật này ra lấy ý kiến nhân dân như Hiến pháp, Luật đất đai hay không thì theo tôi chưa đến mức như vậy. Trước mắt chúng ta cứ tiếp thu hết các ý kiến” – Tổng thư ký Quốc hội nói thêm.

Bên cạnh Luật đặc khu, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp vừa qua cũng được dư luận rất quan tâm.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng trả lời thêm câu hỏi của báo chí về Luật An ninh mạng tại buổi họp báo

Với Luật An ninh mạng, Quốc hội đã thảo luận, trao đổi, lắng nghe, tiếp thu rất nhiều ý kiến, cả ý kiến của các chuyên gia. Cơ quan soạn thảo luận, cơ quan thẩm tra luật này của Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều để hoàn thiện luật.

“Sau khi đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện rồi thì thông qua với tỷ lệ cao là đương nhiên thôi” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Đồng thời, ông Phúc chia sẻ, công việc quan trọng tiếp theo là phải truyền thông để người dân hiểu hơn về bản chất của Luật.

“Những ý kiến cho rằng Luật An ninh mạng được thông qua sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân thì tôi khẳng định là không phải thế. Ngược lại, Luật giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân” – ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt ra câu hỏi, Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam sau khi Luật An ninh mạng được thông qua hay không?

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, hiện cả 2 tập đoàn nói trên đều chưa có phản hồi chính thức nào.

“Tôi thiết tha đề nghị trên các diễn đàn, cộng động mạng phản hồi thông tin chính thức để tạo ra đồng thuận lớn nhất về dự án luật này” – ông Hồng nói.