Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn

ANTD.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi cùng các ĐBQH TP Hà Nội - đơn vị bầu cử số 1, tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XIV vào sáng nay, 17-10.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) sáng 17-10

Tại cuộc tiếp xúc, 9 ý kiến phát biểu của cử tri quận Ba Đình đã nêu hàng loạt vấn đề quan trọng như: Luật về hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật đấu giá tài sản, quy định về nâng tuổi nghỉ hưu, xử lý sự cố môi trường, quy hoạch đô thị, quản lý nợ công, đặc biệt là công tác tổ chức cán bộ và phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đây đều là những vấn đề lớn mà Quốc hội cũng như cả đất nước đang quan tâm bàn bạc, xử lý. Chẳng hạn như dự án Luật về hội, Tổng Bí thư chia sẻ, hiện chưa có luật nhưng cả nước có khoảng 650.000 hội các loại từ Trung ương đến địa phương, hoạt động rất phong phú, chưa kể các hội không đăng ký mà chỉ báo chính quyền hoạt động.

“Làm thế nào để các hội hoạt động đúng hướng, đúng mục đích và quản lý được để tránh tiêu cực, sai phạm, giữ vững an ninh trật tự, an ninh chính trị. Hay Luật tín ngưỡng tôn giáo cũng vậy, đại đa số các tổ chức tôn giáo là hoạt động đúng pháp luật nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới nhìn chung rất tích cực, đời sống nhân dân được nâng cao, chất lượng hạ tầng ở nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, thời gian qua, số vốn chúng ta huy động cho xây dựng nông thôn mới quá nhiều, ứng ngân sách ra không đáp ứng được, huy động của dân cũng rất khó nhất là các xã nghèo, thế nên phải đi vay, đi vay quá nhiều thì lãi mẹ đẻ lãi con, nợ đọng nhiều. Vấn đề này cần phải tiếp thu, bàn bạc, tìm hướng xử lý.

Cũng tại buổi tiếp xúc, trước việc cử tri đề cập đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa… và băn khoăn tại sao chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI rồi giờ lại bàn tiếp ở khóa XII... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi Nghị quyết có trọng tâm riêng của nó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Theo Tổng Bí thư, từ năm 1994, chúng ta đã nói diễn biến hòa bình là 1 trong 4 nguy cơ làm mất chế độ. Đây là vấn đề lớn, được Đảng ta đặc biệt quan tâm. “Đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó, song nhiều người nói chống nội xâm còn khó hơn. Ai dám tự phê bình, có ai tự nhận kỷ luật, nhận khuyết điểm không? Hay kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng chỉ xin rút kinh nghiệm. Vì thế phải làm kiên trì, kiên quyết. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI không phải làm một lần mà như đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Chúng ta phải bình tĩnh chứ ai cũng mong muốn làm được ngay” – Tổng Bí thư nói.

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư cho biết, cả hệ thống chính trị đang quyết tâm làm. Thực tế từ đầu năm đến nay, công tác này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Về ý kiến Quốc hội cần có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho biết, hiện đã có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, có đại diện Chính phủ, Quốc hội tham gia đầy đủ. Vấn đề là các bộ ngành, địa phương phải cùng tham gia thực hiện. Việc thực hiện giám sát của Quốc hội là cần thiết và vẫn làm chứ không phải Quốc hội không có Ban chỉ đạo mà không giám sát.

Trả lời câu hỏi của cử tri Võ Giang Đông, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) về việc trước đây Quốc hội có Nghị quyết về thí điểm bỏ HĐND cấp xã/ phường tại một số tỉnh/ thành phố nhưng đến nay chưa thực hiện được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chủ trương của chúng ta chưa bao giờ nói bỏ HĐND. Vì HĐND là cơ quan đại diện cho người dân song vấn đề là cơ quan này phải hoạt động hiệu quả theo luật pháp.

Thực tế thời gian qua, có nhiều cấp HĐND, nhất là ở xã phường hoạt động hình thức, không hiệu quả. Do đó, Trung ương cho triển khai thí điểm việc bỏ HĐND cấp xã phường xem hiệu quả ra sao. Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm thấy không có HĐND là không đúng. Thế nên, ở những nơi nào HĐND đang hoạt động hình thức thiếu hiệu quả thì phải có giải pháp, cách tổ chức đặc thù để tăng hiệu quả. Đây là việc phải nghiên cứu chứ không bỏ cơ quan đại diện quyền lực của nhân dân.