Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2018 còn phức tạp, gay gắt

ANTD.VN -Báo cáo về Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội nêu rõ, vừa qua nổi lên một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới thuộc lĩnh vực văn hóa như xếp hạng, về những bất cập trong chương trình sữa học đường; sai phạm trong quy hoạch, mật độ xây dựng đô thị...

Theo Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơn quan hành chính Nhà nước.

“Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%, tổng số vụ khiếu nại tố cáo tăng 4,7%. Số đơn khiếu nại tố cáo về đất đai chiếm đa số - 61,8%. Tình hình khiếu nại tố cáo năm 2018 nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt” – Báo cáo nêu.

Thẩm tra về nội dung trên, Ủy ban Pháp luật (UBPL) cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Quang cảnh phiên họp

Tuy nhiên, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các Trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết.

Về công tác tiếp công dân, UBPL cho rằng, vừa qua, tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Liên quan đến công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực tế khảo sát của UBPL tại một số Bộ, ngành, địa phương cho thấy, có một số loại đơn thư được phân loại và tổng hợp số liệu báo cáo là khiếu nại, tố cáo nhưng về bản chất lại là nội dung kiến nghị, yêu cầu giải quyết chế độ, chính sách và được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật chuyên ngành,

Ngược lại, có những trường hợp tuy là khiếu nại, tố cáo nhưng lại được phân loại và tổng hợp số liệu báo cáo là kiến nghị, phản ánh. Điều này thể hiện cách làm thiếu thống nhất giữa các nơi.

Về việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, năm 2018 công tác này vẫn còn những hạn chế như tiến độ giải quyết còn chậm; có những vụ việc được trả lời với nội dung đã nhận được đơn và đang trong quá trình giải quyết, nhưng sau đó lại không nhận được thông báo về kết quả giải quyết…

Báo cáo về Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội cũng nêu rõ, vừa qua nổi lên một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới thuộc lĩnh vực văn hóa như xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ; thuộc lĩnh vực giáo dục như sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiêu cực trong thu chi ở một số trường học, thực hiện chế độ cho giáo viên không đúng quy định, về những bất cập trong chương trình sữa học đường; sai phạm trong quy hoạch, mật độ xây dựng đô thị...

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định.

Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định. Đặc biệt tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch UBND xã đạt rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24%, có tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt dưới 5%.

Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào. Việc thu hồi tài sản sau khi giải quyết sai phạm được còn khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng nhiều nơi chưa chặt chẽ; Có quá nhiều văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực đất đai, gây nên hiện tượng chồng chéo, áp dụng sai trong thu hồi đất thực hiện Dự án phát triển kinh tế xã hội, cưỡng chế, bồi thường, hỗ trợ...

Do vậy, UBPL kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tố cáo năm 2018, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (từ ngày 01/01/2019); đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm giải quyết kịp thời, không để quá hạn luật định, đặc biệt tập trung xử lý dứt điểm các khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt, kéo dài đã qua nhiều cấp giải quyết.