Tiền lãng phí do sử dụng sách giáo khoa đủ xây 20.000 nhà cho người có công

ANTD.VN - ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trăn trở: “Với 1.000 tỷ đồng lãng phí do sử dụng sách giáo khoa dùng 1 lần, chúng ta có thể xây được 20.000 căn nhà cho người có công. Đấy mới chỉ là con số lãng phí trong một năm”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trăn trở về lãng phí do in sách giáo khoa dùng 1 lần

Chiều nay, 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, giai đoạn vừa qua rất nhiều chính sách về văn hoá xã hội không thực hiện được do thiếu nguồn lực.

Điều đáng trăn trở là trong khi nguồn lực dành cho các chính sách văn hóa xã hội còn khó khăn thì nhiều lĩnh vực khác, công cuộc tiết kiệm, chống lãng phí lại chưa được như mong muốn. Một trong những lãng phí rất lớn là lãng phí do sử dụng sách giáo khoa dùng 1 lần.

Theo bà Hải, lãng phí từ sử dụng sách giáo khoa 1 lần lên tới 1.000 tỷ đồng. Con số này đã được khẳng định lại trong dự thảo báo cáo giám sát về công tác xuất bản được Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố ngày 7-10 tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban. Trong đó, một năm chúng ta xuất bản 107,8 triệu bản sách giáo khoa nhưng sách này năm sau không sử dụng lại được và phải in lại.

“Tôi nhấn mạnh sự lãng phí con số 1.000 tỷ đồng này là lãng phí nguồn lực của xã hội. Thử tính toán, xây dựng một nhà ở cho người có công hết 50 triệu đồng. Với 1.000 tỷ đồng là sẽ có 20.000 căn nhà cho người có công được xây dựng. Và nếu sửa căn nhà cho người có công là sửa được 40.000 căn nhà cho người có công. Đấy chỉ là con số tiết kiệm trong một năm. Việc lãng phí nếu chúng ta tiết kiệm được thì ảnh hưởng, lan toả rất lớn” – ĐBQH Lê Thanh Hải nói.

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi các ĐBQH có ý kiến về vấn đề này gần đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo có giải thích rằng “thực hiện nghị quyết 40 của Quốc hội, ngay từ những năm đầu tiên khi tiến hành đại trà chương tình giáo dục phổ thông mới (năm 2002-2003), Bộ đã ban hành văn bản số 6176, trong đó có nêu rằng giáo viên hướng dẫn học sinh không được viết vào sách giáo khoa và học sinh phải có trách nhiệm bảo vệ sách giáo khoa”.

“Thế nhưng, trong sách giáo khoa lại có câu mệnh đề là cần phải “điền vào, viết vào, vẽ vào” chỗ trống. Như vậy là gây khó” – bà Hải phân tích và nhấn mạnh một lần nữa, tình trạng lãng phí do sử dụng sách giáo khoa 1 lần như kể trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, cần phải có giải pháp để khắc phục sớm.

“Có ĐBQH cũng đã nêu vấn đề lãng phí này từ năm 2005-2006 nhưng chưa được quan tâm, giải quyết. Sao phụ huynh biết, học sinh biết, giáo viên cũng đều biết về việc lãng phí này mà nhà quản lý lại không biết đó là lãng phí lớn?” – bà Hải nói thêm.

Tham gia phát biểu cuối phiên họp chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, bổ sung các kết quả cải cách tư pháp , phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính hay tình hình bối cảnh thế giới ảnh hưởng tới kinh tế trong nước... trước khi trình ra Quốc hội.