Thưởng Tết 2019, ngành nào sẽ bứt phá?

ANTD.VN - Bước sang quý IV, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dồn sức hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất trong năm để đảm bảo nguồn lực trả lương, thưởng Tết cho công nhân lao động.

Thưởng Tết 2019, ngành nào sẽ bứt phá? ảnh 1

Dự báo mức thưởng Tết năm 2019 không có nhiều đột biến so với năm 2018

Doanh nghiệp FDI dẫn đầu

Thống kê của Cục Quan hệ lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) về tình hình lương và thưởng Tết năm 2018 cho thấy: Mức thưởng Tết Dương lịch, mức thưởng bình quân là 1,151 triệu đồng/người, tăng 0,4% so với năm 2017.

Người có mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Tp.HCM là 1,5 tỷ đồng. Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất là 30.000 đồng/người, tại doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoại tại các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình và Bình Dương.

Đối với Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 1 tháng lương, tương đương với 5,527 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2017. Người có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất tại doanh nghiệp dân doanh ở Tp.HCM là 855 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 20.000 đồng/người tại doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Mức này bằng 40% so với năm 2017 là 50.000 đồng/người.

Nhận định về mức thưởng trong năm 2019, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay, mức và tốc độ thưởng Tết 2019 của doanh nghiệp nói chung sẽ không có nhiều đột biến so với năm Tết 2018.

Dự kiến, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn sẽ dẫn đầu bảng danh sách số tiền thưởng cuối năm dành cho người lao động. Doanh nghiệp Nhà nước khó có mức cao vì quy định tài chính. Theo đó, tổng quỹ lương, quỹ khen thưởng và phúc lợi quy định chỉ tối đa 3 tháng tiền lương trong cả năm.

Theo các chuyên gia lao động, lương, thưởng là vấn đề khá nhạy cảm, nhiều doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm từ những lần thưởng Tết trước, "ngại" công bố mức thưởng khủng hoặc thưởng chênh lệch quá nhiều vì sợ gây ra những hiểu nhầm, bức xúc cho người lao động. Vì vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp dàn đều tiền thưởng Tết ra các tháng, các quý trong năm. Mức thưởng tháng lương thứ 13 chủ yếu bằng một tháng lương.

Thưởng Tết không mang tính bắt buộc

Theo quy định của pháp luật, tiền thưởng Tết không mang tính bắt buộc mà phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động. 

Do vậy, tiền thưởng Tết Nguyên đán cũng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp thông qua Quy chế khen, thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc và có sự tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. 

Trên thực tế, hình thức thưởng tháng thứ 13 được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhiều nhất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn áp dụng thêm một hình thức mức thưởng theo hiệu theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, kết quả công việc của người lao động hoặc theo thâm niên công tác. Các doanh nghiệp cũng có thể kết hợp nhiều yếu tố nói trên để xác định mức thưởng Tết cho người lao động của mình.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc có nên quy định cụ thể về thưởng Tết khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2012, để tránh tình trạng doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật có giá trị quá thấp, ông Phạm Minh Huân cho rằng quan hệ lao động hiện nay có tính ngang bằng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động có nhiều sự lựa chọn công việc và nơi làm việc nào đãi ngộ tốt và hợp với năng lực.

Ngay cả với chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, Nhà nước cũng chỉ ban hành lương tối thiểu như một mức sàn để đảm bảo doanh nghiệp không trả thấp hơn. Tới đây, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp từ năm 2021. 

Tin cùng chuyên mục