Thủ tướng muốn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có chiến lược như HLV Park Hang Seo

ANTD.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tinh thần làm việc và có tầm nhìn chiến lược như HLV Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki cup 2018 để ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vươn lên và thành công.

Thủ tướng yêu cầu đưa tinh thần của thể thao vào lĩnh vực kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 19-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã hình thành và nhiều nơi đã dần hoàn thiện.

Các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ không chỉ phát triển về lượng mà còn phát triển về chất như da giày, lắp ráp ô tô, xe máy... điển hình là Trường Hải - Thaco, Samsung và VinFast.

“Samsung Việt Nam cho biết tỷ lệ nội địa hóa của họ là 30%, trong đó có các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam có cả FDI và doanh nghiệp Việt. Trường Hải hiện có hơn 30 doanh nghiệp phụ trợ, phụ tùng sản xuất xe lên đến 40%. VinFast công bố 90% linh kiện xe máy điện là tại Việt Nam. Đây là những minh chứng và thành quả nội địa hóa tại Việt Nam”- Thủ tướng nói.

Tuy  nhiên, người đứng đầu Chính phủ vẫn cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đủ năng lực để tham gia vào chuỗi toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt chưa nắm vững được năng lực quản trị toàn cầu…

Từ thực tiễn nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần nêu cao tinh thần Việt Nam, để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư.

"Đây phải được xem là chiến lược, để giành nguồn lực, trí lực phát triển. Kinh tế phải làm sao thành công giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam ấy… Người Hàn Quốc, Nhật Bản có ý chí lớn phát triển đất nước, chúng ta phải học tập họ.

Phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào công nghiệp hỗ trợ, phát triển kinh tế, còn nếu cứ "bình bình" thì khó thành công. Cần tinh thần làm việc và có tầm nhìn chiến lược như HLV Park Hang Seo đưa đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Suzuki cup 2018 để ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vươn lên và thành công"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Tỷ lệ nội địa hóa của các ngành vẫn thấp như: da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác là nguyên nhân quan trọng.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, phát triển thị trường cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực…