Thủ tướng: Cần nhìn thẳng vào những yếu kém, tồn tại của giáo dục

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 yếu kém cùng 7 giải pháp bên cạnh những điểm nhấn đáng được công nhận của ngành giáo dục trong năm học vừa qua.

Dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới phải thiết thực, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, đặc biệt là chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Thủ tướng đánh giá năm học vừa qua có nhiều thách thức nhưng đáng mừng là ngành đã đạt nhiều kết quả tốt, nhất là kỳ thi THPT quốc gia nền nếp hơn, chất lượng hơn, tạo niềm tin cho xã hội. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc  yêu cầu đóng cửa các cơ sở giáo dục đại học yếu kém 

Tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương tham dự sự kiện này tại các đầu cầu cả nước chứng tỏ sự quan tâm đặc biết đối với giáo dục. "Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy không có kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt của xã hội mà không gắn với đột phá từ giáo dục. Sự quan tâm của các lãnh đạo địa phương cho thấy những chuyển biến tốt đẹp đối với giáo dục" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu ra một số điểm nhấn thành công trong năm vừa qua đầu tiên là việc Quốc hội, Chính phủ, các ngành các cấp đã tạo hành lang pháp lý khá rõ ràng cho ngành giáo dục với Luật Giáo dục, Luật Đại học sửa đổi. 

Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm tham dự của lãnh đạo các địa phương trong công tác triển khai năm học mới

Đổi mới thi cử thể hiện qua kết quả kỳ thi THPTQG được đánh giá cơ bản là tốt, làm nền tảng tiếp tục triển khai cho năm học tới. Công tác chuẩn bị cho năm học mới được đẩy mạnh. Chất lượng giáo viên nhìn chung được nâng cao. Một điểm nhấn của năm học vừa qua là việc Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. 

"Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nhìn thẳng vào yếu kém còn tồn tại của giáo dục" - Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, công tác rà soát sắp xếp hệ thống trường còn kém, thừa thiếu trường lớp cục bộ còn xảy ra, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Đặc biệt là sắp xếp các trường sư phạm và đại học còn chậm. 

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất cho giáo dục đặc biệt là trường mầm non trong các khu đô thị, khu công nghiệp. Công nhân đi làm vất vả nhưng không tìm được chỗ gửi con. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ nhất là giáo viên mầm non, gây trở ngại đến sự phát triển bền vững của giáo dục.

Nhiều địa phương chỉ bố trí định mức giáo viên theo quy định dẫn đến quá tải. Thực tế một lớp học có thể lên đến trên 60 học sinh nhưng định mức chỉ có 40, 45 học sinh/ lớp.

Giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống chưa đáp ứng  thực tế nên một số bộ phần học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Một bộ phận giáo viên xuống cấp về đạo đức nghề ngiệp như thông đồng sửa điểm, nâng điểm...

Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặc biệt thiếu ở một số ngành mũi nhọn như du lịch, CNTT, nông nghiệp thông minh, chưa đáp ứng được định hướng phát triển kinh tế, xã hội.

Công tác giáo dục nói chung chậm đổi mới. Xã hội hoá nguồn lực cho giáo dục là vấn đề cần quan tâm. Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư cho giáo dục nhưng cần xã hội hoá để có thêm nguồn lực đầu tư chứ không phải Nhà nước bỏ mặc giáo dục.

Kiểm tra các trường ĐH hữu danh vô thực

Trước các yếu kém nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời đưa ra các biện pháp khắc phục đối với ngành giáo dục.

Theo đó, các địa phương phải rà soát lại hệ thống trường lớp, nhất là mầm non, phổ thông đáp ứng nhu cầu người dân. "Cần bố trí đủ quỹ  đất để xây dựng trường học, giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp vì hậu quả kéo theo sẽ rất lớn" - Thủ tướng yêu cầu.

Cần đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào trường trọng điểm của Hà Nội, TPHCM. Các trường sư phạm địa phương có lộ trình bồi dưỡng giáo viên gắn kết đào tạo. Các địa phương phải chủ động "đặt hàng" các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế.

Các cơ sở giáo dục ĐH phải sắp xếp lại mạnh mẽ hơn toàn hệ thống. Nhiều trường hiện nay không đảm bảo điều kiện chất lượng, hạ điểm đầu vào, vơ vét sinh viên, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.

"Tôi đồng ý là nước ta còn thiếu nguồn nhân lực trình độ đại học nhưng không chấp nhận những trường kém chất lượng tiếp tục tồn tại, đào tạo nhân lực" -Thủ tướng nhấn mạnh.

"Bộ GD-ĐT phải tiến hành kiểm tra các trường ĐH hữu danh vô thực. Tôi yêu cầu Bộ GD-ĐT trình Chính phủ đóng cửa các cơ sở kém chất lượng, dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém"- Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu về tự chủ từ cấp học ĐH đến mầm non, để triển khai thí điểm ở những nơi phù hợp. 

"Tôi đề nghị các địa phương phải rà soát sắp xếp lại khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có quy định bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả để triển khai tốt đổi mới chương trình sách giáo khoa; Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ trong trường học" - Thủ tướng yêu cầu.

Một điểm được Thủ tướng nhấn mạnh là trong năm học này, ngành giáo dục phải tạo ra sự chyển biến căn bản trong đạo đức lối sống và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

"Đây là trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội. Chúng ta nói nhiều nhưng thực hành chưa được bao nhiêu. Bộ GD-ĐT, các địa phương phải rà soát lại chương trình đào tạo lối sống trong trường sư phạm, trường phổ thông, đảm bảo hiệu quả khi triển khai" -Thủ tướng yêu cầu.

Bộ cần ban hành cơ chế chính sách cho các trường ĐH thực hiện tự chủ, trong đó cần đảm bảo vai trò hội đồng trường đúng thẩm quyền, quy định, không can thiệp hoạt động hành chính của nhà trường nhưng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra đi kèm.

Trước thềm năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi thân thiết tới ngành giáo dục cả nước, các em học sinh, các cán bộ giáo dục lão thành, những người luôn quan tâm đến giáo dục... với mong muốn năm học tới ngành giáo dục sẽ đem lại những đột phá từ những giải pháp nêu trên...