Thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Giải pháp đột phá cho bài toán khó lâu nay

ANTD.VN - Sáng 17-5, tại sông Tô Lịch đoạn ngay vòng xuyến đường Bưởi – Hoàng Quốc Việt, các kỹ sư Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt, vẫn ứng trực bên 4 máy nano và các tấm bioreactor mới được lắp đặt hôm qua. Các máy móc hoạt động, bơm ô xi vào lòng sông liên tục. Nước sông ở khu vực lắp đặt thiết bị cũng bớt màu đen...

Đoạn sông Tô Lịch được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản

Trước đó chiều 11-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sĩ Tadashi Yamamura dẫn đầu.

Tại đây, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Theo đó, Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Các chuyên gia cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.

Mới đây, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã cho phép để đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor” bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Giải bài toán lắng cặn

Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông vẫn phải tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông ngày càng thêm trầm trọng. Đặc biệt vào mùa hè, khi nắng nóng, dù Công ty Thoát nước Hà Nội đã thường xuyên nạo vét, vớt rác nhưng nước sông vẫn thường bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Đức Khánh, chuyên gia xử lý nước của Công ty KNĐ Việt Nam cho biết, đã từng nghiên cứu các công trình, dự án làm sạch nước sông Tô Lịch của Hà Nội trước đây.

Xử lý nước ở những con sông ô nhiễm nặng như Tô Lịch thường gặp nhiều khó khăn.

Có thể dùng phương pháp cơ học hoặc hoá học để loại chất bẩn ra khỏi nước. Điều mà nhiều nhà khoa học vẫn gặp khó khăn từ trước đến nay là vấn đề lắng cặn sau khi xử lý nước.

Thông thường khoảng 100 m3 nước thải có khoảng 0,5 m3 cặn. Sản phẩm lắng cặn này có thể là chất trơ hoặc là một lớp bùn đáy với nhiều chất độc hại như: Phốt pho, Nitơ, kim loại nặng... rất khó xử lý, thậm chí gây ô nhiễm ngược lại môi trường.

Vì vậy nhiều công trình dự án vẫn chưa đạt hiệu quả.

“Tôi đã từng được tiếp cận qua công nghệ Nano Bioreactor, quả thật, nó có thể giải được bài toán mà chúng ta đau đầu bấy lâu nay là giải quyết được lắng căn,. Việc sử dụng công nghệ sinh học chắc chắn sẽ rẻ hơn các phương án hóa học hay vật lý”, ông Khánh cho biết. 

Nhân viên Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt ứng trực 24/24 vận hành các máy sục nano 

Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ thiên nhiên Bioreactor” và “Công nghệ sục khí nano” là 2 phát minh quan trọng của Nhật Bản được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nhận và đã triển khai trên 300 dự án tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Lào.

Tại Việt Nam, công nghệ này đã được ứng dụng làm sạch sông hồ ở An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Công nghệ Nano Bioreactor là công nghệ tổng hợp từ 2 phát minh này, nó không kén môi trường, có tốc độ xử lý nhanh, tạo nên “Nhà máy xử lý nước thải bằng công nghệ Nano-Bioreactor”.

Công nghệ này đươc giới thiệu là sẽ xử lý triệt để được không chỉ từ nguồn ô nhiễm nước thải chảy vào, mà còn xử lý được tận gốc nguyên nhân gây ra mùi hôi và ô nhiễm là phân hủy hoàn toàn lớp bùn đáy tích tụ mà không cần phải dùng các biện pháp nạo vét cơ học.

Theo Tiến sĩ Tadashi Yamamura, công nghệ Bio-nano của Nhật Bản phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, là công nghệ xử lý căn cơ, tận gốc, triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch.

Với công suất xử lý cực lớn lên tới 1.350.000 m3/ngày đêm mà không cần phải sử dụng một mét vuông đất nào để xây dựng nhà máy, toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch sẽ được xử lý trong ngày mà không còn ô nhiễm nữa.

Ngoài ra, công nghệ này sử dụng vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý…

Chuyên gia Nhật Bản lắp đặt thiết bị làm sạch nước sông Tô Lịch ngày 16-5

Giải pháp tổng thể

Liên quan đến việc thử nghiệm công nghệ này, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Nghiêm Vũ Khải đánh giá, việc áp dụng thí điểm công nghệ này, nếu thành công sẽ rất quan trọng, mở ra hướng đi mới, hiệu quả, trả lại sự trong xanh cho các dòng sông.

Tuy nhiên, ông Khải cũng nhấn mạnh, “đây là một công nghệ hiện đại, nhưng vẫn cần giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp".

GS - TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường (VUSTA) đánh giá cao công nghệ nano-bioreactor nhưng cũng cho rằng, đây chỉ tạm thời xử lý tình huống khi thành phố chưa thu gom được nước thải dọc sông Tô Lịch và chờ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động.

Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng vào công nghệ Nano Bioreactor, nhưng đi cùng với nó là việc phải có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt 2 bên sông Tô Lịch và có nhà máy xử lý.

Cùng với việc TP Hà Nội đang khẩn trương đầu tư xây dựng những phần việc trên, các chuyên gia tin tưởng, khi đó chắc chắn việc nước sông Tô Lịch trong xanh trở lại sẽ không còn là một chuyện xa vời…

Cũng như nhiều người dân khác đều tò mò về công nghệ mới này, anh Nguyễn Tuấn Anh (trú tại phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy) sau khi ra tận nơi quan sát các máy móc hiện đại này đã bày tỏ: “Công nghệ này thì quá tiên tiến rồi. Người dân sống hai bên bờ sông Tô Lịch chúng tôi rất kỳ vọng vào công nghệ này để giảm ô nhiễm cho dòng sông, nhất là trong những ngày nắng nóng này…”.