Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội cùng hàng loạt sinh viên trường tốp đầu phải thôi học vì "dính" gian lận nâng điểm

ANTD.VN - Ngày 16-4, thông tin từ các trường đại học cho thấy, hàng loạt sinh viên thuộc danh sách gian lận nâng điểm của Hòa Bình và Sơn La đã phải thôi học, trong đó, có cả thủ khoa có điểm đầu vào cao nhất ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018.

TS Trịnh Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Hà Nội xác nhận thủ khoa đầu vào cao nhất trường năm 2018 cũng thuộc danh sách được nâng điểm do Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi về trường.

Sinh viên T.P.T từng đạt điểm số đáng ngưỡng mộ với ba môn xét tuyển tổ hợp C00 đạt 27,75 điểm, cộng với 0,75 điểm ưu tiên thành tổng điểm 28,5 điểm. Cụ thể, Sử: 9,25 điểm, Địa: 9,75 điểm, Ngữ văn: 8,75 điểm.

Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định, trả về điểm thật, điểm xét tuyển của thí sinh này "tụt dốc" còn Sử 5,75 điểm, Địa lý: 7 điểm. Điểm Ngữ văn vẫn giữ nguyên mức 8,75 điểm.

Ngoài ra, thí sinh này còn được nâng khống điểm ở một số môn khác ngoài tổ hợp xét tuyển vào ngành sư phạm ngữ văn: Toán từ 4 điểm nâng lên thành 7,8 điểm, Ngoại ngữ từ 3,4 điểm lên thành 8,2 điểm.

Với kết quả chấm thẩm định, tính thêm cả điểm cộng ưu tiên, thí sinh này cũng không đủ điểm trúng tuyển. Năm 2018, điểm chuẩn ngành sư phạm Ngữ văn với tổ hợp C00 của trường là 24 điểm.

Theo điểm chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nữ sinh không đủ điểm trúng tuyển và phải bị gạch tên khỏi danh sách trúng tuyển.

"Tuy nhiên, khi nhận được danh sách từ Hòa Bình và yêu cầu khoa rà soát, chúng tôi nhận được thông báo sinh viên đã chủ động làm đơn xin thôi học từ trước", ông Tuấn Anh cho hay.

Đến thời điểm này, thông tin về việc xử lý những trường hợp sinh viên thuộc danh sách nâng điểm của Hòa Bình và Sơn La đã xuất hiện tại nhiều trường đại học tốp đầu sau danh sách 28 sinh viên bị trả lại địa phương của các trường CAND.

Cụ thể, ĐH Kinh tế Quốc dân đã nhận được danh sách 5 thí sinh có điểm thi bị điều chỉnh của Sở GD&ĐT Hòa Bình. Các thí sinh này đều có kết quả chấm thẩm định thấp hơn điểm công bố năm 2018. Tuy nhiên, chỉ 2/5 thí sinh bị buộc thôi học vì điểm thấp hơn điểm trúng tuyển.

ĐH Y Hà Nội cũng có hai thí sinh được nâng điểm, trúng tuyển ngành Y đa khoa. Một thí sinh có kết quả chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển nên sẽ bị đuổi học. Thí sinh còn lại bị hạ 2 điểm, vẫn đủ điểm trúng tuyển, và môn hạ điểm không phải tổ hợp xét tuyển vào trường.

Đại học Ngoại thương nhận được danh sách 3 thí sinh có điểm bị điều chỉnh từ Hòa Bình, trong đó 2 thí sinh có điểm thật thấp hơn điểm trúng tuyển nên bị xóa tên khỏi danh sách.

Giải thích về việc có sinh viên được nâng điểm phải thôi học, có sinh viên vẫn được học tiếp tục, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, nếu thí sinh bị giảm điểm thi ở môn không thuộc tổ hợp xét tuyển, các trường vẫn có thể để sinh viên tiếp tục học tập, trừ trường hợp có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.

Hiện nay, vụ việc gian lận thi trong quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền, chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi… Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ kết luận, các đối tượng vi phạm (trong đó có thể có cả thí sinh) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong khi chờ cơ quan công an đưa ra kết luận cuối cùng về mức độ sai phạm của thí sinh trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, những em có điểm chấm thẩm định đủ điểm trúng tuyển vào các trường đại học được học tiếp. Những em bị trượt tốt nghiệp, hoặc bị trường đại học trả về có thể dự thi THPT quốc gia 2019.