Thông điệp của đối tác tin cậy và trách nhiệm

ANTD.VN - Thông điệp phát đi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều khẳng định rõ Việt Nam là đối tác tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Lễ đón các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Sân bay quốc tế ở Thủ đô Juba của Nam Sudan

Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Và Việt Nam không phụ lòng tin của cộng đồng quốc tế khi ngay lập tức khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thế và lực của đất nước được nâng lên sau 30 năm đổi mới và hội nhập thành công, cùng vị thế của thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ sở để Việt Nam triển khai tích cực định hướng đối ngoại chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia,” phát huy vai trò của Việt Nam trong quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, trước hết là tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Từ một nước chuyên nhận trợ giúp, Việt Nam nay đã là đối tác hợp tác của Liên hợp quốc với những đóng góp tích cực. Bằng chứng là Việt Nam đã cử các cán bộ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Năm ngoái, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 của Việt Nam chính thức lên đường nhận nhiệm vụ ở phái bộ Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Kết quả của các sứ mệnh trên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là cơ sở để Liên hợp quốc mời Việt Nam cử nhân sự đảm nhiệm các vị trí cao hơn, như: Phó Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ Nam Sudan, Tư lệnh Phân khu Phái bộ Nam Sudan. Cùng với đó, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2 của Việt Nam cũng đã sẵn sàng lên đường sang Nam Sudan sau khi Bệnh viện số 1 hoàn thành nhiệm vụ.

Với ASEAN, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.

Và tất nhiên, trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tích cực tham gia giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Đó là nguy cơ xung đột và chiến tranh, là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, tham vọng theo đuổi sức mạnh cường quyền, đi ngược luật pháp quốc tế. Rồi các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… mà bất cứ quốc gia nào, kể cả siêu cường, cũng không thể tự  mình giải quyết.

Trách nhiệm nặng nề đang đặt ra những thử thách với Việt Nam. Nhưng với uy tín, vị thế đang lên của đất nước, Việt Nam sẽ tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, nỗ lực phấn đấu vì một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.