Thông báo tiến độ điều tra cho cơ quan quản lý thuế là vi phạm quy định bảo vệ bí mật nhà nước

ANTD.VN - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ ra một quy định trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của ngành Công an.

Sáng 24-5, Quốc hội dành trọn phiên làm việc để thảo luận những ý kiến còn khác nhau về dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Góp ý hoàn thiện luật, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng dự luật quy định "cơ quan điều tra phải thông báo tiến độ điều tra cho cơ quan quản lý thuế" là vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Bởi theo quy định hiện hành, các vụ án đang trong quá trình điều tra thuộc danh mục bí mật nhà nước của ngành Công an.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tại nghị trường Quốc hội

Cũng theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm đến cùng với kiến nghị và kết luận của mình, chứ không phải cơ quan thuế chịu trách nhiệm như trong dự thảo luật. “Ai, cơ quan nào bắt cơ quan quản lý thuế phải chịu trách nhiệm nếu như họ bảo lưu quan điểm của mình?”, đại biểu Cầu đặt vấn đề.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng: Trong trường hợp cơ quan kiểm toán nhà nước thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế có nội dung kiến nghị liên quan tới nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán nhà nước thì cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Về quyền của người nộp thuế, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (đoàn Tiền Giang) kiến nghị xem xét bổ sung điều khoản cho người nộp thuế được đề nghị xem xét gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ thuế và xoá nợ thuế.

Nữ đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị mở rộng cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế cho các cơ quan thuế ở địa phương. Bởi theo bà Tuyến, thực tế có nhiều hoạt động kinh doanh không xác định được chính xác số thuế phải nộp, ví dụ như bán lẻ hàng tiêu dùng cho người mua không cần hoá đơn… 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng cần tiến tới chuyển hoá đơn giấy thành hoá đơn điện tử, bởi thực tế có tình trạng tiêu thụ tiền của nhà nước thì lấy hoá đơn giấy, tiên thụ tiền cá nhân cũng lấy hoá đơn.

Về hành vi nghiêm cấm trong quản lý thuế, ông Phương đề xuất bổ sung: “Cấm hành vi lợi dụng chuyển giá để sắp đặt trốn thuế, hưởng lợi bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hoạt động chuyển giá để giảm thiểu số thuế. Cấm xuất hoá đơn ảo làm hợp lý hoá chi phí nguồn ngân sách, gây thất thoát nguồn thu ngân sách quốc gia. Cấm cán bộ thuế thoả hiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế và gian lận thương mại”.