Thiếu tướng Đào Thanh Hải: Phòng, chống tham nhũng không nên mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản

ANTD.VN -Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Thiếu tướng Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như trong Dự thảo mà nên thu hẹp, tập trung vào một số đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương và địa phương nơi dễ phát sinh tội phạm tham nhũng.

Mở rộng tràn lan sẽ dẫn đến mất kiểm soát

Cũng theo Đại biểu Đào Thanh Hải, việc Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết, tương thích với quy đinh mở rộng phạm vi đã được quy định tại BLHS 2015, thể hiện đúng tinh thần trong kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên việc mở rộng đến đâu cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính khả thi, nếu mở rộng tràn lan sẽ không kiểm soát được.

“Theo tôi cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn diện các đối tượng thuộc phạm vi mở rộng, trong đó cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ phát sinh tham nhũng vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa đảm bảo việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – Đại biểu Đào Thanh Hải nói.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải – Phó Giám đốc CATP Hà Nội (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, theo đại biểu Đào Thanh Hải, nếu quy định tất cả đều phải kê khai dễ khiến quy định khó khả thi, khó kiểm soát. Để đảm bảo hiệu quả của quy định này, Đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, không nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như trong Dự thảo mà nên thu hẹp, tập trung vào một số đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương và địa phương dễ phát sinh tội phạm tham nhũng.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý, Đại biểu Đào Thanh Hải nhất trí phương án 1 theo Điều 59 Dự thảo luật. Theo đó, cơ chế thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc được thực hiện thông qua việc xác định đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế. Song, do đây là vấn đề mới, việc xử lý ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân và hệ thống luật chuyên ngành nên cần xem xét kỹ.

Cơ quan đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập cần có địa vị pháp lý độc lập

Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, Đại biểu Đào Thanh Hải phân tích, theo quy định hiện hành, người có nghĩa vụ kê khai tài sản thuộc diện cấp ủy quản lý thì Ban tổ chức cấp ủy cùng cấp thường là nơi quản lý bản kê khai này. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác kiểm soát tài sản, thu nhập song cũng bộc lộ hạn chế là khiến việc xác minh thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ít được thực hiện. Thời gian qua, qua quá trình kiểm soát, việc xác minh việc kê khai tài sản của các đối tượng kê khai của các cơ quan đơn vị gần như bỏ ngỏ, trừ khi có đơn thư tố giác mới tiến hành xác minh.

Vì vậy, Đại biểu Đào Thanh Hải nhất trí với phương án 2 của Dự thảo luật. Theo đó, bộ phận quản lý tập trung bản kê khai tài sản tại cơ quan đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền. Cơ quan đơn vị này có địa vị pháp lý tương đối độc lập với cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Quy định này giúp việc theo dõi, giám sát kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn.  Qua đó kịp thời xác minh, phát hiện và xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập theo mô hình bán tập trung sẽ gây ra sự quá tải cho các cơ quan nên cần được xem xét kỹ lưỡng cho phù hợp với từng cơ quan.

Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả. Nghĩa là, Luật hiện hành giao cho cơ quan tổ chức cán bộ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ mà thuộc diện phải kê khai dẫn đến nể nang, việc xác minh còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi cần có 1 cơ quan chuyên trách để giao cơ quan này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong điều kiện hiện nay, nếu thành lập 1 cơ quan mới thì không đúng với chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Căn cứ theo điều kiện thực tế thì Chính phủ mới đề nghị giao cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước. Cơ quan thanh tra Nhà nước hiện có 1 bộ phận chuyên trách về phòng chống tham nhũng.

Mặt khác, tham gia vào quá trình này còn có Cục Phòng chống tham nhũng. Theo phương án này thì phân cấp, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên. Còn dưới thì Thanh tra Bộ, ở địa phương là Thanh tra tỉnh. Đây là phương án thứ nhất, phương án Chính phủ chọn. Phương án thứ 2 thì vừa tập trung, vừa phân tán.