Thiết lập rào chắn an toàn để người lao động tự thương lượng về tiền lương

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, khi giảm sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý phải xây dựng hàng rào an toàn để người lao động có thể phát huy khả năng thương lượng về tiền lương của mình với chủ sử dụng lao động.

 

Thực tế, khả năng thương lượng về tiền lương của người lao động còn nhiều hạn chế

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mới liên quan đến chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Đặc biệt, để giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, Bộ luật Lao động cho phép doanh nghiệp được quyền xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế trả lương.

Cụ thể, Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đề xuất, người sử dụng lao động xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Trong đó, mức lao động được hiểu là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, xu hướng của cơ chế thị trường là phải tiến tới giảm dần sự can thiệp của nhà nước vào tiền lương trong doanh nghiệp cũng như vào quan hệ lao động. Vì nếu quy định quá cứng nhắc, doanh nghiệp sẽ tìm đủ mọi cách để "lách" luật, chèn ép người lao động.

Từ thực tế, ông Lê Đình Quảng cũng cho biết thêm, hiện nay khả năng thương lượng của người lao động rất hạn chế, nếu để họ và doanh nghiệp tự thương lượng với nhau sẽ không có lợi cho người lao động. Lâu nay, do người lao động chưa tự thương lượng được nên phải chờ tiền lương tối thiểu hằng năm tăng. Thực tế, tiền lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất để trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường. Tiền lương phải là giá cả sức lao động, cho nên phải trả theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, người lao động luôn là bên yếu thế trong quan hệ lao động, để họ có khả năng tự thương lượng về vấn đề tiền lương, Nhà nước phải thiết lập một hàng rào pháp lý an toàn, đồng bộ. Bên cạnh đó, hệ thống thang bảng lương cũng phải xây dựng chăt chẽ tránh tình trạng doanh nghiệp chẻ nhỏ lương để né chi phí khác, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo ông Mai Đình Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), chính sách tiền lương của doanh nghiệp được sửa đổi để đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, dù hai bên được thỏa thuận về mức chi trả nhưng cơ quan soạn thảo sẽ quy định chi tiết về tiền lương tối thiểu để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động, cũng như có những quy định ràng buộc, không để doanh nghiệp trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu.

Dự thảo lần này cũng hoàn thiện hơn một số quy định cụ thể hơn về nội dung chi trả lương để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, năng suất và chất lượng thực hiện công việc mà người lao động đã hoàn thành.

Ngoài ra, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được dùng vũ lực, thủ đoạn ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động bán hoặc của đơn vị bán mà người sử dụng lao động chỉ định.