Thí điểm đưa lao động sang Thái Lan làm nghề đánh cá, xây dựng

ANTD.VN -  Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Thái Lan đã thống nhất sẽ thí điểm đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan với hai ngành nghề là xây dựng và đánh bắt cá.

Thái Lan thí điểm tuyển dụng lao động Việt Nam ngành đánh bắt cá và xây dựng

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực hiện Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Thái Lan đã cùng làm việc để trao đổi và thống nhất về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan. Việt Nam sẽ thí điểm đưa lao động đi làm việc tại Thái Lan với hai nghề là xây dựng và đánh bắt cá.

Theo đó, tất cả các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có thể đưa lao động đi làm việc tại Thái Lan và đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo quy định. Doanh nghiệp dịch vụ có thể ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Thái Lan trực tiếp với chủ sử dụng lao động Thái Lan hoặc thông qua công ty môi giới lao động Thái Lan. Công ty môi giới lao động Thái Lan và chủ sử dụng lao động Thái Lan đều phải được cấp giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý để đi làm việc tại Thái Lan, người lao động phải chịu các chi phí: hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đóng góp quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.

Tiền dịch vụ cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không quá 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm hợp đồng.

Người lao động không phải trả tiền môi giới, khoản tiền này chủ sử dụng Thái Lan sẽ trả cho công ty môi giới Thái Lan. Vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về khi hoàn thành hợp đồng sẽ do chủ sử dụng lao động chi trả.