"Tạm dừng đến trường, không dừng việc học"

ANTD.VN - Các đơn vị trong ngành Thông tin và truyền thông (TT-TT) cam kết hỗ trợ ngành giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp...

Ngành TT-TT và ngành GD-ĐT hỗ trợ nhau trong nhiều hoạt động

Sáng nay (26-3), Bộ TT-TT, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT-TT với ngành GD&ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành TT-TT sẽ hỗ trợ ngành GD&ĐT bằng các hoạt động cụ thể như: phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; tăng cường truyền thông về chuyển đổi số trong GD&ĐT. Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến mọi người dân liên quan về các thông báo quan trọng của Bộ GD&ĐT.

Doanh nghiệp viễn thông di động sẽ miễn phí toàn bộ dữ liệu cho thày cô và học sinh liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT; Viettel và VNPT hỗ trợ miễn phí hệ sinh thái đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

“Gói hỗ trợ mùa Covid-19 ước tính là hàng ngàn tỉ đồng mỗi tháng. Các doanh nghiệp TT-TT cũng sẽ đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một điện thoại thông minh kết nối 4G, 5G”, đại diện Bộ TT-TT cho hay.

Tại lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, đây là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông Việt Nam cho ngành giáo dục. Tiếp theo sẽ là những nền tảng, các ứng dụng khác nữa của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT khác nữa để phục vụ cho ngành giáo dục nước nhà.

Bộ TT-TT và Bộ GD&ĐT cũng sẽ hợp tác để đề ra các tiêu chuẩn về CNTT và an toàn thông tin, đảm bảo tính mở của các nền tảng, đảm bảo tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác; Đảm bảo không có độc quyền hoặc vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành giáo dục phải lùi thời gian học để phòng dịch bệnh ở giai đoạn dầu. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục đã tập trung rà soát nội dung các môn học của học kỳ II năm học 2019 – 2020 của các lớp từ 1 đến 12, nhất là lớp 9 và lớp 12.

Trên cơ sở rà soát theo hướng tinh gọn lại, giảm các nội dung chưa nhất thiết phải ưu tiên, tổ chức xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử, bài giảng để ứng dụng trên các nền tảng công nghệ. Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục sẽ tăng cường học trực tuyến, vẫn đảm bảo nội dung cơ bản và chất lượng đào tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, GD&ĐT là ưu tiên đầu tiên trong việc thực hiện chuyển đổi số. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành TT-TT chỉ có thể mạnh lên, sánh vai với các cường quốc năm châu nếu ngành GD&ĐT cũng như mọi ngành khác, đặt ra cho ngành TT-TT các yêu cầu cao, càng cao càng tốt, càng thách thức càng tốt. Việc vĩ đại sẽ tạo nên người vĩ đại. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn bất cứ ai đưa ra yêu cầu cao hơn cho ngành TT-TT”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, khủng hoảng hiện tại chính là thời cơ tốt để các doanh nghiệp bứt phá, nắm bắt thời cơ, tiến tới thành công.

Thời gian qua, với quan điểm chỉ đạo “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hiện đã có 14 kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; nhiều trường phổ thông đẩy mạnh ứng dụng các hệ thống quản lý học tập (LMS) để tổ chức dạy và quản lý dạy và học trực tuyến; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến; kho bài giảng e-learning của Bộ GD&ĐT với 5.000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí.