Bản lĩnh người Đảng viên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù vô hình SARS-CoV-2 (1)

Sứ mệnh dẫn đường - những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LTS: Ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, người Đảng viên Cộng sản luôn gương mẫu đi đầu, với sứ mệnh dẫn đường. Lần này cũng không ngoại lệ, trong cuộc chiến đấu chưa từng có tiền lệ với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2, những người Đảng viên lại sẵn sàng dấn thân, đi thẳng vào những nơi nguy hiểm nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ bình yên cho nhân dân…

Vào những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến đấu chống SARS-CoV-2, những quan điểm, ý kiến chỉ đạo quyết liệt, khoa học và nhân văn từ Trung ương tới địa phương đã dẫn dắt đội ngũ phòng chống dịch từng bước khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch phức tạp và cứu chữa hàng trăm ca bệnh nặng…

Sứ mệnh dẫn đường - những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn ảnh 1Việt Nam ghi dấu ấn sâu đậm với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19

Vượt qua áp lực

Ngày 23-4-2020, người Hà Nội đón nhận nới lỏng cách ly xã hội - khái niệm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - một cách bình thản. Các hoạt động kinh tế - xã hội trên các tuyến phố thủ đô hối hả trở lại với dòng người tất bật ngược xuôi… Đó chưa phải thời điểm thành phố chấm dứt giãn cách xã hội nhưng có thể xem như bước đầu trút bỏ được gánh nặng là tâm dịch Covid-19 lớn nhất cả nước. Mỗi người Hà Nội đều hiểu rõ, để có sự “trở lại” sau 22 ngày đáng nhớ ấy là cả một quá trình nỗ lực chống dịch không biết mệt mỏi của thành phố và cả nước, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Vào những thời khắc cam go nhất của cuộc chiến đấu chống SARS-CoV-2, những quan điểm, ý kiến chỉ đạo quyết liệt, khoa học và nhân văn từ Trung ương tới địa phương đã dẫn dắt đội ngũ phòng chống dịch từng bước khoanh vùng, dập tắt những ổ dịch phức tạp và cứu chữa hàng trăm ca bệnh nặng…

Thực tế, hành trình chống Covid-19 ở Hà Nội và cả nước đã bắt đầu từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, thành phố đã dự liệu tất cả các kịch bản chống dịch, kể cả tình huống tồi tệ nhất để từng bước ngăn chặn virus xâm nhập và vô hiệu hóa các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Với dân số gần 10 triệu người và số lượng rất lớn người nước ngoài qua lại mỗi ngày, Hà Nội duy trì được hơn 1 tháng mới có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên (kể từ ngày ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam).

Sau khi có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở ổ dịch Trúc Bạch (quận Ba Đình) và tiếp sau đó là bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi (Mê Linh)… toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung ương, Bộ Y tế… từng bước khoanh vùng, quyết dập dịch trong thời gian sớm nhất. Không thể kể hết khối lượng công việc khổng lồ thành phố đã phải giải quyết trong thời gian chạy đua với SARS-CoV-2. Chỉ biết rằng, với từng ổ dịch, dù phức tạp tới đâu, thành phố đã xử lý hiệu quả, thành công.

Đơn cử, với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, bằng nỗ lực phi thường mà thầm lặng của các đơn vị liên quan, trong đó mũi nhọn là CATP Hà Nội và ngành y tế Thủ đô, sau một thời gian rất ngắn, Hà Nội đã rà soát hơn 21.000 trường hợp có liên quan, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để khoanh vùng, truy tìm SARS-CoV-2.

Rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy

Để có được thành công trong đợt chống Covid-19 đầu tiên, trước hết, phải kể tới những chỉ đạo phòng chống dịch kịp thời, quyết liệt, khoa học của Trung ương và thành phố Hà Nội. Thời điểm phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở nước ta, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp khẩn vào chiều 30 Tết Canh Tý và cuộc họp tiếp theo là chiều mùng 2 Tết. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trực tiếp điều hành các phiên họp này.

Ngày 27-1 (mùng 3 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các bộ ngành liên quan về phòng chống dịch Covid-19, nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân…

Ngày 28-1 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg và liền sau đó, ngày 29-1 (mùng 5 Tết), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các cơ quan, đơn vị… về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản nêu rõ: “Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch”!

Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống Covid-19. Tất cả đều là kim chỉ nam để các bộ ngành, địa phương; cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và chiến thắng Covid-19 trong đợt dịch đầu tiên.

Tại Hà Nội, nhận được chỉ đạo từ Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ngay lập tức có chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy trực tiếp dự cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố vào những thời điểm quan trọng nhất để chỉ đạo kịp thời công tác phòng dịch… Thành phố cũng lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 do 4 đồng chí trong Thường trực Thành ủy và 1 Phó Chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn tới từng địa phương đơn vị để đôn đốc, yêu cầu sát sao từng giờ, từng phút, từng khâu công tác để chuẩn bị thật kỹ cho mọi kịch bản có thể xảy ra…

Sứ mệnh dẫn đường - những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn ảnh 2Bữa cơm vội vã của cán bộ UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) trong những ngày căng thẳng ở tâm dịch Covid-19

Mệnh lệnh từ trái tim

Không quản ngày đêm, các lực lượng của địa phương và Chính phủ đã phối hợp hết sức chặt chẽ, nỗ lực bền bỉ để xử lý các ổ dịch. Nhiều biện pháp phòng dịch mạnh mẽ, hiệu quả đã được Hà Nội thực hiện trước khi được Chính phủ cho áp dụng trên toàn quốc. Nhưng, quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định, chính là sự đóng góp của toàn thể người dân Hà Nội và cả nước. Người dân đã chấp hành rất tốt yêu cầu cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, chấp nhận nhiều thiệt thòi về vật chất và tinh thần để ưu tiên tất cả cho phòng chống dịch bệnh. Những đóng góp to lớn đó, không thể nói hết bằng lời, thế nên, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, địa phương đã gửi tới toàn thể nhân dân lời cảm ơn, tri ân sâu sắc vì sự sẻ chia đầy trách nhiệm ấy.

Chăm lo các mặt đời sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước cũng kịp thời đưa ra chính sách an sinh xã hội trong mùa dịch Covid-19 với Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tại Hà Nội, tính tới 20-5-2020, có 385.516 người được nhận hỗ trợ với kinh phí 474,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tới 2-7-2020, hơn 17.000 người lao động, 992 hộ kinh doanh… được nhận hỗ trợ 17,3 tỷ đồng.

Đặc biệt nữa là hàng trăm chuyến bay đưa đồng bào ta ở các vùng dịch nước ngoài về nước. Không chỉ là lời cảm ơn, sự cảm thông, xúc động bởi những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào, nhiều người đã bật khóc thốt lên: “Thật tuyệt vời, tự hào là người con Việt Nam!”. Và không thể không nhắc tới kỳ tích cứu sống phi công người Anh - bệnh nhân số 91 và nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng khác. Cộng đồng quốc tế đã nghiêng mình ghi nhận lòng nhân ái và nỗ lực phi thường của đất nước, con người Việt Nam trong gần 100 ngày để giành lại sự sống cho phi công người Anh…

Những ngày cuối tháng 7 và tháng 8-2020 này, Hà Nội lại nóng với những ca bệnh Covid-19 mới được phát hiện. Không lơ là, chủ quan, tự mãn với thành tích trong giai đoạn trước, 10 triệu người dân Hà Nội và hàng trăm nghìn chiến sỹ chống dịch vẫn kiên cường trên trận tuyến, để có thể giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước

Sứ mệnh dẫn đường - những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn ảnh 3

“Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương đã làm trong những ngày chống dịch Covid-19 vừa qua. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Việc xuất hiện các ca bệnh từ nước ngoài về chứng tỏ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền…”.

Tiến sĩ Kidong Park, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Sứ mệnh dẫn đường - những giải pháp quyết liệt, khoa học và nhân văn ảnh 4

“Là đảng viên, tôi luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ”

“Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, tôi đã tham gia nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương. Mỗi chuyến bay đều rất đặc biệt nhưng đáng nhớ nhất là chuyến bay đến Bata - Guinea Xích đạo vào cuối tháng 7 với gần 130 hành khách được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Có người cho là nguy hiểm nhưng tôi nghĩ, chuyến bay đó cũng giống như tất cả các chuyến bay khác, bởi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Đoàn bay, của Vietnam Airlines và của tôi - cơ trưởng, cũng là một Đảng viên.

Vào Đảng năm 1999, nay là cơ trưởng, tôi luôn tâm niệm mình phải gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ, dù nguy hiểm hay khó khăn. Bởi vậy, trong số 150 phi công, tiếp viên tình nguyện tham gia phi hành đoàn, tôi là người nhận nhiệm vụ cầm lái. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, đoàn bay 919 và Vietnam Airlines, chúng tôi đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, được áp dụng cho tất cả các chuyến bay về từ vùng dịch. Bởi vậy, tất cả thành viên phi hành đoàn đều an toàn tuyệt đối”.

Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, Phó Bí thư chi bộ Đội bay A350 phía Bắc, Đoàn bay 919- Vietnam Airlines)

Bài 2: Những đêm trắng ở Trúc Bạch và “chìa khóa” an dân