Nhất thể hóa - Con đường phải đi để tinh gọn bộ máy (4)

Sự lãnh đạo tập thể là cơ chế quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực

ANTD.VN - Nhất thể hóa để tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và cần thiết nhưng việc triển khai chắc chắn sẽ nảy sinh vướng mắc do đây là vấn đề động chạm đến quyền lợi trực tiếp của không ít cán bộ, lãnh đạo. Cùng với đó, việc kiểm soát quyền lực sau khi nhất thể hóa để tránh tình trạng lạm quyền, vi phạm cũng là vấn đề cần đặt ra. Đồng chí Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực ban Tổ chức Trung ương đã trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô xung quanh các nội dung này.

Sự lãnh đạo tập thể là cơ chế quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực ảnh 1Tinh giản biên chế thì điểm quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ảnh: Lam Thanh

- Thưa đồng chí, thành phố Hà Nội và một số địa phương đang triển khai mạnh mẽ việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc nhất thể hóa một số chức danh. Đồng chí nhìn nhận thế nào về chủ trương này?

- Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã phường, quận huyện đủ điều kiện hay hợp nhất một số chức danh trong bộ máy của Đảng như Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện… là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, được quy định tại Nghị quyết số   18-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Tôi cho rằng, nhất thể hóa là chủ trương hết sức đúng đắn, giúp tinh gọn bộ máy, giúp hoạt động của các cơ quan nhanh nhạy, thông suốt hơn. 

Hiện nay, trong bộ máy hành chính của chính quyền và của Đảng, một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau nên việc tổ chức, sắp xếp lại là rất cần thiết. Chẳng hạn, nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận với Chủ tịch Ủy ban MTTQ vừa giúp tinh gọn bộ máy mà cũng không làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động hoặc mất đi vai trò của mỗi cơ quan. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận cấp ủy là Chủ tịch MTTQ huyện tại 14/14 địa phương. Quảng Ninh cũng đã thí điểm mô hình này ở cấp tỉnh.

- Chủ trương đúng đắn nhưng muốn thực hiện thành công, hiệu quả, chúng ta cần các yếu tố gì, thưa đồng chí?

- Điều cần chú ý đầu tiên là dù hợp nhất các chức danh hay các cơ quan có chức năng tương đồng nhưng việc thực hiện nhiệm vụ trước đây của các đơn vị cũ vẫn phải được đảm bảo, không được làm triệt tiêu mà ngược lại phải phát huy chức năng đó tốt hơn. Bởi, hợp nhất chức danh hay tổ chức lại bộ máy ngoài mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì quan trọng nhất là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. 

Thứ hai, công tác cán bộ phải được đặc biệt quan tâm. Cụ thể là phải chọn ra được người đứng đầu đảm nhiệm chức danh nhất thể hóa có đủ phẩm chất, năng lực; am hiểu cả 2 lĩnh vực phụ trách, đồng thời tạo ra được sự đoàn kết trong nội bộ đơn vị.

- Nhất thể hóa 2 chức danh hoặc hợp nhất 2 cơ quan là vấn đề nhạy cảm vì sẽ động chạm đến quyền lợi trực tiếp của những người có liên quan. Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?

- Khi nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan tương đồng thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến những cá nhân, cán bộ có liên quan. Thế nên, công tác đả thông tư tưởng trước khi hợp nhất rất quan trọng. Từ Trung ương cho đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan chịu ảnh hưởng phải được quán triệt tư tưởng để hiểu rõ, thông suốt chủ trương đường lối, kế hoạch của Đảng. 

Với những nơi khi hợp nhất có xảy ra mâu thuẫn trong việc chọn ra người đứng đầu cơ quan mới thì từ Thành ủy, Tỉnh ủy tới Quận ủy, Huyện ủy… phải quán triệt và công khai, minh bạch các tiêu chí, quan điểm lựa chọn cán bộ, nếu cần có thể tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, đối với những người dôi dư sau hợp nhất hoặc đang từ cấp trưởng phải xuống phó hoặc cần điều chuyển đi nơi khác thì rất nên có chính sách thỏa đáng đối với họ.

Chẳng hạn, với những cán bộ sắp nghỉ hưu, không còn nhiều thời gian công tác thì có thể động viên, tạo điều kiện, có chính sách đãi ngộ nếu họ mong muốn về hưu trước tuổi. Với những người còn trẻ đang là cấp trưởng nhưng có thể phải xuống làm cấp phó sau khi hợp nhất, nhất thể hóa chức danh thì có thể xem xét nguyện vọng, luân chuyển họ sang một vị trí khác để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo để có thể tiếp tục bổ nhiệm vị trí lãnh đạo sau này… Đặc biệt, muốn ổn định tư tưởng cán bộ, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong bộ máy thì tất cả các quy trình về công tác cán bộ này phải được công khai, minh bạch và đảm bảo tính công bằng, khách quan.

- Bài học về lạm dụng quyền lực không bao giờ cũ, điều nhiều người lo ngại khi thực hiện mô hình nhất thể hóa là vấn đề kiểm soát quyền lực để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

- Dù nhất thể hóa chức danh nào thì trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cũng phải tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, tôn trọng ý kiến của tập thể. Dù anh là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND nhưng những quyết sách quan trọng đều phải đưa ra Thường vụ Đảng ủy, Thường trực UBND bàn bạc, lấy ý kiến, trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc về sự lãnh đạo tập thể của Thường vụ. Đây cũng là cơ chế kiểm soát quyền lực quan trọng nhất.

Cùng với đó, phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, các chức danh lãnh đạo. Việc này có rất nhiều kênh để thực thi. Cấp trên giám sát cấp dưới; các cơ quan trong cùng cấp giám sát nhau; cấp dưới cũng giám sát hoạt động của cấp trên; nhân dân giám sát hoạt động, tổ chức bộ máy của các cấp…

Sự lãnh đạo tập thể là cơ chế quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực ảnh 2Đồng chí Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương

- Vậy theo quan điểm của đồng chí, chúng ta có nên nhân rộng mô hình nhất thể hóa trong thời gian tới?

- Có thể khẳng định, chủ trương nhất thể hóa đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 6, khóa XII là hết sức đúng đắn và cần thiết. Hiện nay, một số địa phương đã và đang tích cực triển khai thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND hay hợp nhất một số chức danh khác trong bộ máy của Đảng như đã nói. Dù vậy, đây là việc rất mới và cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về mặt hiệu quả. Chúng ta phải căn cứ vào thực tiễn triển khai ở các địa phương để từ đó xem xét, tính toán việc có thể nhân rộng mô hình này hay không và tất nhiên là việc này phải được thực hiện theo lộ trình phù hợp, khoa học chứ không việc gì phải vội vã.

- Xin cảm ơn ông!

Giám sát chặt chẽ để không có thêm bài học đau xót

“Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói đến trách nhiệm tập thể, cho nên khi xảy ra vấn đề gì, một bộ phận lãnh đạo mới thường có xu hướng “đổ lỗi” cho tập thể để không bị kỷ luật. Khi thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, cơ quan quản lý cần tính đến cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân (cần quy định cụ thể trong văn bản pháp luật), để khi ở cương vị đó, họ không thể lạm quyền, không dám lạm quyền. 

Gần đây, trong công tác phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ có vi phạm, các cơ quan chức năng đã đưa ra điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn với mức án nghiêm khắc theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đây đều là những bài học rất đau xót cho hành vi lạm dụng quyền lực. Cho nên, cùng với trao quyền cho cán bộ, chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh, có sự giám sát chặt chẽ thì mới khắc phục được mặt hạn chế của tập trung quyền lực”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Hà Nội, Quảng Ninh đi đầu thí điểm

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh, đến nay, tỉnh này đã nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Dân vận là Chủ tịch MTTQ huyện tại 14/14 địa phương. Sau 2 năm thí điểm, cơ quan khối cấp huyện thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế còn 258 người, giảm 37 người (12,5%). 

Tại Hà Nội, không chỉ thí điểm nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở các xã phường, tới đây, thành phố dự kiến đề xuất nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp huyện ở những nơi đủ điều kiện. Cùng đó, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, một số huyện của Hà Nội đã triển khai mô hình Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Thành phố sẽ đôn đốc thực hiện việc này từ nay đến cuối năm, sau đó thực hiện theo lộ trình đến 2020. Về sáp nhập một số cơ quan, thành phố chỉ nêu ra mô hình mang tính nguyên tắc và sẽ thực hiện ở những nơi hội đủ điều kiện.

Tin cùng chuyên mục