Sĩ tử lo sốt vó vì bỗng nhiên đề thi năm nay rất khó

ANTD.VN - Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu có nên duy trì 1 kỳ thi 2 mục đích khi mà chỉ cần lệch về mục đích nào cũng gây ra rất nhiều hệ lụy. 

Nhiều giáo viên và thí sinh đều có chung đánh giá đề thi THPT quốc gia năm 2018 tương đối dài và khó

Đề khó vì nghiêng về mục tiêu xét tuyển đại học?

Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định, độ phân hóa đề thi được cân đối 60-40 (60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và 40% nâng cao để xét tuyển đại học), nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Tuy nhiên, với đề thi Ngữ văn và Toán năm nay, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá là tương đối dài và khó. Đặc biệt, như lý giải của ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, việc ra đề thi năm nay là không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 12 mà còn có thêm phần kiến thức lớp 11. Nội dung được mở rộng phạm vi thì thí sinh cũng cảm nhận đề thi khó hơn.

Tuy vậy, khi hỏi trực tiếp những thí sinh dự thi năm nay thì điều khiến các thí sinh băn khoăn là vì sao đề thi lại khó hơn so với đề minh họa và khó hơn năm 2017. Hơn nữa, đề thi tương đối dài nên để làm được hết bài, có nhiều ý nên học sinh muốn làm được hết phải rất tập trung và có kiến thức hiểu biết rộng. 

Đề thi đã đảm bảo không chỉ có kiến thức lớp 12 mà còn kiểm tra kiến thức của học sinh ở lớp 11 thông qua tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Các câu hỏi trong đề thi khá hay và cũng có tính phân loại trình độ của thí sinh tương đối cao để các trường đại học chọn lựa thí sinh vào trường. Tuy nhiên, nếu đề thi như này làm trong 120 phút thì hơi quá sức với các em nên có thể có thí sinh viết vội vàng, hụt hơi ở câu cuối cùng.

Còn đối với đề thi Toán, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chuyên gia đầu ngành về Đại số của ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét: “Với 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút”. Thầy Hưng chia sẻ phải chăng kỳ thi năm ngoái dễ, khiến cho 30 điểm vẫn trượt đại học nên có lẽ vì thế, năm nay Bộ GD-ĐT chỉ đạo ra đề thật khó.

Bộ Giáo dục - Đào tạo lúng túng 

Nhiều ý kiến cho rằng, với một kỳ thi mục tiêu chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì liệu có cần ra đề có những câu hỏi quá khó, tạo nên nhiều lo lắng cho thí sinh, phụ huynh và cả xã hội hay không? Câu hỏi được đặt ra với Bộ GD-ĐT là năm ngoái đề thi được đánh giá là dễ, chúng ta có “mưa điểm 10”, năm nay đề thi được đánh giá là khó và dài, thậm chí các Giáo sư trong ngành cũng không thể giải được trong thời gian quy định. Phải chăng Bộ đang lúng túng trước 2 mục tiêu của 1 kỳ thi: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa cần độ phân hóa cao để tuyển sinh đại học, cao đẳng?

Việc ra được một đề thi thỏa mãn 2 mục tiêu là rất khó. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, băn khoăn, nếu đề thi lạc vào hướng tăng độ khó thì nhân dân sẽ có ý kiến bức xúc, sẽ lo ngại vì họ là đại diện số đông. Hy vọng Bộ GD-ĐT thay đổi có chừng mực để kết quả của kỳ thi đúng là Kỳ thi THPT Quốc gia, phổ thông, cơ bản chứ không lạc vào phân hóa quá khiến cho kỳ thi này trở thành kỳ thi tuyển sinh đại học. 

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến đề xuất, kỳ thi để xét tốt nghiệp có thể ủy quyền cho các Sở GD-ĐT, hoặc là thi, hoặc là xét. Còn việc tuyển sinh vào đại học như thế nào thì Bộ GD-ĐT với các trường tính toán. Theo một chuyên gia độc lập về lĩnh vực khảo thí, do tính chất và mục đích của 2 kỳ thi rất khác nhau, không nên ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học vào làm một bài thi. Nếu cố khiên cưỡng thì sẽ có rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như rất khó có thể kiểm soát được độ khó của đề thi để đảm bảo cả hai mục đích. Mức độ phân loại của đề thi cũng khó được đảm bảo. Điều này khiến cho người học bị thiệt thòi.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, 1 kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Vì vậy, các trường đại học sử dụng kết quả này để xét tuyển thí sinh cũng chỉ là giải pháp ở giai đoạn trước mắt. Về lâu dài, các trường cần phải tính tới việc tổ chức thêm kỳ thi riêng để có kết quả xét tuyển thí sinh phù hợp hơn.

Năm 2019 sẽ bàn đổi mới thi THPT quốc gia

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lý giải về việc Bộ GD-ĐT vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Ông Trinh trích dẫn Điều 32, Luật Giáo dục quy định vẫn tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT; Điều 34, Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi và xét tuyển. Như vậy ở thời điểm này, đang vận hành theo khuôn khổ của 2 luật trên.

Đồng thời, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu thi và xét tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức kỳ thi ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng có kết quả đáng tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44, trong đó có một giải pháp nói rất rõ: đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Hiện nay, Trung ương đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện kỳ thi vào năm 2019, chắc chắn trong các nội dung sơ kết này sẽ có câu chuyện về đổi mới kỳ thi. Ông Mai Văn Trinh cho rằng: Sắp tới, khi sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 29 và Luật Giáo dục cũng như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi sắp ban hành, dựa vào chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH nên vận hành theo hướng nào sẽ được tiếp tục bàn thảo.

Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo kết quả thi THPT quốc gia sau ngày 11-7

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, các hội đồng thi công bố và thông báo kết quả thi THPT quốc gia 2018 cho thí sinh vào ngày 11-7 và chậm nhất ngày 15-7 phải báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Việc công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất là ngày 17-7. Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn thí sinh thủ tục phúc khảo bài thi trong quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018.  Theo đó, thí sinh phúc khảo bài thi là khi thí sinh nhận được kết quả thi mà cảm thấy điểm số không đúng với số điểm mà bạn chắc chắn thì có thể làm đơn phúc khảo bài thi để được chấm lại. 

Tất cả các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đều có quyền được phúc khảo bài thi, thí sinh nộp đơn phúc khảo bài thi tại chính nơi thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD-ĐT tập hợp danh sách đề nghị phúc khảo và gửi danh sách đề nghị phúc khảo đến các hội đồng thi. Trường THPT nơi thí sinh đăng ký dự thi sẽ nhận đơn xin phúc khảo bài thi của thí sinh trong vòng 10 ngày kể từ khi công bố điểm thi THPT quốc gia. Sau đó, trường sẽ chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo đến hội đồng thi. Hội đồng chấm phúc khảo sẽ công bố và gửi kết quả phúc khảo bài thi cho thí sinh trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn.

Vào đại học bằng xét tuyển học bạ có gì khác?

Xét tuyển học bạ THPT lớp 12 là phương thức tuyển sinh riêng của các trường, hoàn toàn không bị chi phối bởi việc chọn môn thi THPT quốc gia. Đối với một số trường, kết quả học bạ còn trở thành một trong những tiêu chí trong việc sơ tuyển vào trường bên cạnh những yêu cầu về mức điểm trong kỳ thi THPT quốc gia. Điển hình là một số trường lớn như Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM); Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM...

Với các trường áp dụng xét tuyển học bạ là phương án tuyển sinh riêng thì hầu hết hệ thống các tổ hợp môn xét tuyển ở phương thức xét tuyển học bạ đều trùng với các tổ hợp môn của phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2018. Do đó, các thí sinh không gặp quá nhiều khó khăn khi lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển cho mình. Bên cạnh đó, ở phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh bắt buộc phải tốt nghiệp THPT thì mới được phép đăng ký xét tuyển.