Rừng Cư K’lông tan hoang vì… thạch anh và saphia!

ANTĐ -Từ tháng 7 - 2013 đến nay, hàng nghìn lượt người đổ xô về các tiểu khu 300, 306 thuộc địa bàn giáp ranh giữa các xã Cư K’lông, Dliê Ya, huyện Kông Năng (Đắc Lắc) với xã Chư Drăng, Ia Rmok, huyện Krông Pa (Gia Lai) để khai thác trái phép đá saphia và thạch anh tinh thể, gây nhiều hệ lụy về môi trường và an ninh trật tự.
Rừng Cư K’lông tan hoang vì… thạch anh và saphia! ảnh 1
Lòng suối Ea Bal bị biến dạng


Mới đây, chúng tôi cùng đoàn công tác của Công an tỉnh Đắc Lắc thực hiện cuộc “đột kích” vào khu vực khai thác trái phép thạch anh tinh thể và đá saphia nằm trên khu vực đầu nguồn các con suối Ea Bal và Ea Kul, thuộc địa bàn xã Cư K’lông, huyện Krông Năng (Đắc Lắc). Trao đổi với chúng tôi trước khi lội bộ xuyên rừng vào các bãi khai thác đá nằm giáp ranh với xã Dliê Ya, anh Huỳnh Cao Nguyên, Trưởng công an xã Cư K’lông cho biết: “Vào thời điểm đầu tháng 9 – 2013, khi kiểm tra theo nguồn tin báo của quần chúng, lực lượng chức năng đã phát hiện tại lô 2, tiểu khu 300 do hợp tác xã Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn quản lý, có đối tượng Nguyễn Hồng Hải, sinh 7-8-1967, hộ khẩu thường trú tại khu 4, phường 7, thành phố Cà Mau, đang sử dụng máy múc, sàng và một số công cụ hỗ trợ, có dấu hiệu khai thác thạch anh tinh thể và saphia trái phép. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã đình chỉ việc đào bới đất đá, tháo dỡ lán trại, thu giữ một số công cụ như sàng của Nguyễn Hồng Hải”. 
Rừng Cư K’lông tan hoang vì… thạch anh và saphia! ảnh 2
Rừng đầu nguồn suối Ea Bal đang bị tàn phá bởi nạn khai thác đá trái phép

Cũng từ thời điểm trên, sau khi có thông tin Hải và một số người dân địa phương đào được saphia, các đối tượng từ nhiều địa phương đổ xô về tiểu khu 300 và tiểu khu 306 đào đãi tìm đá quý phép. Trong đó nhiều nhất là người dân các tỉnh Ninh Bình, Cà Mau và Lâm Đồng. Ngày cao điểm có 30-50 lượt người và phương tiện ra vào các bãi khai thác đá. Tại các điểm khai thác có ngày tập trung tới hơn 300 trăm người, chia ra 5 bãi trải dài cả chục km đường rừng, dọc hai bên bờ suối Ea Kul và Ea Bal.

Trên đường dẫn chúng tôi lội bộ vào địa điểm khai thác dọc bên suối Ea Bal, đồng chí Mai Thành Trung, Phó trưởng Công an xã Dliê Ya bức xúc: “Tình trạng người dân tứ xứ đổ về khai thác đá trái phép không chỉ tàn phá rừng, làm biến dạng dòng suối, gây ô nhiễm môi trường, mà còn kéo theo một số tệ nạn xã hội. Vào những tháng cao điểm như tháng 10 tháng 11-2013, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, tại các lán trại một số đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy và đánh bài bạc”.

Từ tháng 9-2013 đến nay, Công an huyện Krông Năng phải cắt cử lực lượng chốt chặn tại bãi 1 và bãi 2, mỗi đợt 10 cán bộ, chiến sỹ, túc trực tuần tra kiểm soát trong 10 ngày. Công việc rất khó khăn vất vả, mỗi ngày 10 cán bộ, chiến sỹ chia thành 3 ca thay nhau lội bộ, xuyên rừng để kiểm soát tại các bãi đá. Còn tại bãi 3, trên hướng xã Cư K’lông, nằm giáp ranh với các xã của huyện Kông Pa (Gia Lai), Công an huyện Krông Năng cũng đã tổ chức 3 đợt truy quét và hàng ngày phân công lực lượng phối hợp với công an xã Cư K’lông tiến hành tuần tra. Nhưng do là khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Gia Lai, có nhiều đường mòn từ nhiều hướng đi và đến, nên rất khó ngăn chặn. Vì vậy, hiện tại các bãi 3, 4 và 5 (trong đó bãi 4 và bãi 5 tại tiểu khu 306 thuộc địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn xảy ra tình trạng một số đối tượng lén lút đào đãi đá, nhất là vào ban đêm.

Tại bãi 1, khi chúng tôi có mặt, cảnh tượng rừng, suối và đồi tan hang bởi hàng chục giếng đào đãi đá dày đặc, sâu hoắm. Bờ suối Ea Bal bị đào bới nham nhở, lòng suối bị san lấp, nhiều cây rừng ngã đổ. Tại đây, lực lượng công an đã phát hiện và tháo gỡ 2 lán trại, và thường xuyên tuần tra kiểm soát nên tình trạng khai thác đá trái phép đã tạm lắng từ tháng 10-2013.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân đổ xô vào khu rừng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai khai thác trái phép đá saphia và thạch anh tinh thể, đồng chí Huỳnh Cao Nguyên, Trưởng Công an xã Cư K’lông, huyện Krông Năng kiến nghị: Cần có sự vào cuộc, phối hợp hành động của lực lượng chức năng các xã Chư Drăng và Ia Rmok, huyện Krông Pa (Gia Lai). Vì trong 5 bãi khai thác đá trái phép, có 2 bãi, gồm bãi 4 và bãi 5 thuộc địa bàn các xã Chư Drăng và Ia Rmok, huyện Krông Pa. Vì vậy, nếu không có sự phối hợp, khi lực lượng chức năng của tỉnh Đắc Lắc truy quét, đá tặc lại lẩn trốn sang khu rừng, hoặc những bãi đá thuộc tỉnh Gia Lai là rất khó xử lý.
Từ thực tế điều tra tại các bãi đá, chúng tôi cho rằng: Đối với Hợp tác xã Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn, được UBND tỉnh Đắc Lắc cho thuê hơn 300 ha đất trồng rừng, nhưng lại có hành vi sang nhượng một phần đất lâm nghiệp cho đối tượng Nguyễn Hồng Hải, trú tại khu 4, phường 7, thành phố Cà Mau khai thác khoáng sản trái phép, cần phải được làm rõ và thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, do các bãi đá nằm trong rừng đầu nguồn, địa hình hết sức hiểm trở, bởi những ngọn núi cao từ 900-1000m so mực nước biển, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, chủ yếu là đi bộ, vì thế nếu không có sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai thì tỉnh Đắc Lắc khó có thể ngăn chặn và giải quyết dứt điểm nạn khai thác trái phép saphia và thạch anh tinh thể trên địa bàn xã Cư K’lông và vùng giáp ranh.