Quyết sách tạo niềm tin

ANTD.VN - Việc thanh tra, kiểm tra về mặt lý thuyết là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đang gây khó khăn, phiền phức tới hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì mới đây cho thấy, sự gay gắt từ phía doanh nghiệp đã giảm đi nhiều. Các ý kiến đóng góp chủ yếu là góp ý cách làm cụ thể để giảm phiền hà hơn nữa cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã “gãi đúng chỗ”, chứ không phải “ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”.

Thủ tướng cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tinh thần chuyển lời nói thành hành động, không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, nếu thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thực sự đã làm các doanh nghiệp cảm thấy yên lòng. Bởi thực tế việc thanh tra, kiểm tra vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ. 

Trong một diễn biến khác có liên quan, cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người lao động và các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong tuần qua cho thấy, việc thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nêu lên những bức xúc liên quan tới vấn đề thanh tra, kiểm tra, một đại diện doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, chỉ trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã phải tiếp 4 đoàn kiểm tra. Như vậy, trung bình mỗi tháng, trung bình doanh nghiệp phải tiếp 1 đoàn kiểm tra.

Đáng chú ý, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Trong tháng qua, doanh nghiệp nhận được công văn của UBND huyện yêu cầu kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trong khi tháng 4 vừa rồi doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nội Bài đã được Sở Y tế kiểm tra. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra này, doanh nghiệp phản hồi với Ban quản lý khu công nghiệp và đơn vị này liên hệ hỏi Phòng Y tế huyện thì được chính quyền trả lời tái kiểm tra”.

Đại diện doanh nghiệp này thẳng thắn bày tỏ, khi đoàn kiểm tra xuống thẳng doanh nghiệp đưa quyết định mà công ty không tiếp, họ sẽ mặc cảm không tốt, nếu tiếp thì không đúng chỉ đạo của thành phố và của khu công nghiệp. Doanh nghiệp này cho hay: “Chúng tôi không phản đối kiểm tra vì kiểm tra là tốt, nhưng phải phù hợp, nhiều quá sẽ phiền hà. Nhiều đoàn kiểm tra hướng dẫn thì ít mà tìm lỗi doanh nghiệp, nêu hình phạt thì nhiều. Do đó, doanh nghiệp mong các cơ quan chức năng kết hợp để kiểm tra doanh nghiệp một năm một lần”.

Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Cách đây ít ngày, Thủ tướng có buổi tiếp xúc với trên 4.000 doanh nghiệp. Sau buổi này, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 20, quy định rõ mỗi năm chỉ có một đoàn kiểm tra, thanh tra vào doanh nghiệp một lần. Tôi ủng hộ doanh nghiệp về việc này”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, liên quan đến Chỉ thị mới của Thủ tướng, Hà Nội sẽ đặt lịch làm việc với các đoàn thanh tra của Bộ chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ... đề nghị một năm các đoàn chỉ vào thành tra, kiểm tra một lần và cử một đoàn. Nếu liên quan đến nhiều nội dung, Hà Nội đề nghị cấp trên cử thêm cán bộ liên ngành vào làm việc cùng các đoàn. 

Những thông tin trên cho thấy, những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai một cách quyết liệt. Nhiều chỉ đạo được các cấp thực thi nhanh chóng thay vì “nghiên cứu” quá lâu. Đây thực sự là những giải pháp và hành động tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn trong đầu tư, phát triển.