Quốc hội thảo luận thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

ANTD.VN - Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Theo dự thảo Nghị quyết, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng như sau: Chính quyền địa phương ở thành phố, huyện Hòa Vang, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); Chính quyền địa phương ở các quận và phường thuộc quận tại thành phố là UBND quận, UBND phường.

Nghị định cũng quy định một số chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển thành phố.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng dự kiến được thực hiện từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Toàn cảnh phiên thảo luận Quốc hội sáng 23-5

Theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, Đà Nẵng khác với TP.HCM, Hà Nội, vì là đô thị có biển, vì vậy cần chủ trương, cơ chế phát triển riêng. 

“Tôi đồng tình với việc xây dựng thí điểm mô hình một cấp chính quyền ở Đà Nẵng, khác với mô hình thí điểm ở Hà Nội để sau này chúng ta tổng kết sẽ có thể lựa chọn xem mô hình nào ưu việt hơn để áp dụng chính thức hoặc nhân rộng”, ông Bình nói.

Cùng ủng hộ phương án tổ chức chính quyền đô thị một cấp ở Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho biết thực chất mô hình này đã được thí điểm tại Đà Nẵng từ 2009 tới 2016 với quy mô và phạm vi rộng hơn. Các báo cáo tổng kết về vấn đề này đều chỉ ra quả tích cực, bộ máy vận hành thông suốt, gọn nhẹ, hiệu lực hiệu quả nâng cao và có sự đồng thuận rất cao của nhân dân.

“Việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay không mang tính chất thử nghiệm như các địa phương khác mà thực chất là khẳng định và tiếp tục hoàn thiện mô hình này trên cơ sở phân cấp hợp lý chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền; tạo sự chuyển biến mạnh về năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương”, ông Hiển phân tích.

Trước ý kiến tranh luận nên gọi là UBND hay Uỷ ban hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng xét về mặt logic thì gọi Uỷ ban hành chính sẽ phản ánh đúng chắc năng và cơ chế hình thành nên các uỷ ban này.

“Tuy nhiên xét dưới góc độ kinh tế, so sánh chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại thì việc đổi tên UBND thành Uỷ ban hành chính sẽ dẫn đến nhiều chi phí phát sinh từ phía nhà nước và người dân, gây lãng phí không cần thiết. Do vậy việc giữ tên UBND như hiện nay là phù hợp”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển phân tích.