Quản lý game online: Được và chưa được

(ANTĐ) - Dự thảo Quản lý trò chơi trực tuyến (Game Online) vừa được Bộ TT-TT lấy ý kiến của đông đảo các tổ chức, cá nhân. Dự thảo được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà quản lý, nhưng vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh game online và các game thủ.

Quản lý game online: Được và chưa được

(ANTĐ) - Dự thảo Quản lý trò chơi trực tuyến (Game Online) vừa được Bộ TT-TT lấy ý kiến của đông đảo các tổ chức, cá nhân. Dự thảo được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà quản lý, nhưng vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh game online và các game thủ.

Quản lý game online là cần thiết để đảm bảo an ninh xã hội
Quản lý game online là cần thiết để đảm bảo an ninh xã hội  

Nhà quản lý: Cần siết chặt hơn!

Tiến sĩ Trần Vĩnh Sa - Sở TT-TT thành phố Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: “Cần quản lý game online tương tự như quản lý rượu, thuốc lá và thậm chí là ma túy”. Theo ông Sa, không nên khuyến khích phát triển game online bởi trò chơi này gây ra những hậu quả xấu về xã hội. Ông Sa cho biết: “Cần thẩm định lại game online đã phát hành, từ đó loại bỏ những game bạo lực, khiêu dâm để làm lành mạnh thế giới ảo. Đồng thời, tiến tới cấm nhập khẩu game ngoại, ưu tiên sử dụng game sản xuất trong nước”. Cũng theo ông Sa, mức xử phạt vi phạm hiện nay đối với các game vi phạm còn quá nhẹ không đủ sức răn đe. Cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh hơn để các doanh nghiệp tự ý thức việc cung cấp game lành mạnh hơn.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở TT-TT Hải Phòng cho rằng cần nhanh chóng quản lý game online bởi tại địa phương này, trò chơi trực tuyến đã khiến không ít học sinh trốn học chơi game. Có lẽ khi dự thảo này có hiệu lực và được thực hiện nghiêm túc, nhiều bậc phụ huynh sẽ phấn khởi hưởng ứng.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, game online là lĩnh vực Việt Nam và các nước châu Á khác đang quan tâm phát triển. Tại Hàn Quốc và Trung Quốc, ngành công nghiệp game online đóng góp hàng tỷ USD/năm cho nền kinh tế quốc gia. Còn đối với Việt Nam, ngành game đã thu hút, giải quyết một số lượng lớn việc làm. Điều đáng mừng là bước đầu một số doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất, phát hành những trò chơi thuần Việt lành mạnh. Bởi vậy, vấn đề quan trọng nhất là quy chế quản lý vừa phải đảm bảo cho ngành công nghiệp game phát triển, vừa đảm bảo tốt an ninh xã hội.

Doanh nghiệp kêu bất hợp lý

Dự thảo quy chế quản lý game online quy định: “Đại lý internet chỉ được cho người chơi trò chơi trực tuyến từ 8h đến không quá 22h hàng ngày. Không để người chơi mặc đồng phục học sinh phổ thông lớp 1 đến lớp 12 sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến từ   8h-17h hàng ngày. Thời gian chơi tổng cộng của mỗi người trong một ngày đối với mỗi trò chơi không được vượt quá 180 phút đối với trò chơi không ưu tiên; không quá 300 phút đối với trò chơi ưu tiên”. Quy định này bị các doanh nghiệp kinh doanh game cho rằng bất hợp lý.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Công ty VTC cho rằng: “Việc kiểm soát giờ chơi mà bản quy chế đưa ra chưa hợp lý. Ví dụ, với những game thủ đi làm ca kíp thì sẽ không thể chơi game online - khi mà cấm doanh nghiệp phát hành game từ 22h đêm đến 8h sáng”. Tổng Giám đốc Công ty VinaGame Lê Hồng Minh cũng cho rằng: “Quy định về thời gian này nhằm mục đích hạn chế trẻ em vị thành niên. Nhưng trên thực tế, thời gian này các em đã phải về nhà, chịu sự quản lý của gia đình. Những người chơi game đêm phần lớn là những người đã trưởng thành”.

Game thủ Bùi Xuân Long bày tỏ: “Tôi đã chơi game được khoảng 5 năm và thấy rằng, phần lớn cộng đồng game thủ ở độ tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên chỉ chiếm số lượng nhỏ. Những người trưởng thành như chúng tôi có thể tự quyết định mình muốn chơi gì, chơi như thế nào, miễn là trong khuôn khổ của pháp luật”. Cũng theo anh Bùi Xuân Long, quy định giới hạn giờ chơi không công bằng bởi như anh, hàng ngày đi làm tại công sở từ 8h-17h, từ 22h mới bắt đầu ngồi chơi game mà lại bị cấm. Và nếu cấm các nhà phát hành trong nước, cộng đồng game thủ sẽ chạy sang chơi các game của nhà phát hành nước ngoài.

Mặc dù còn nhiều nghi ngại xung quanh quy định buộc người chơi game phải đăng ký thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác nhưng đại diện các doanh nghiệp cũng tán đồng với quan điểm này.

Vân Hằng

Quy định đối với đại lý cung cấp dịch vụ truy cập internet: Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm kinh doanh đại lý internet cách cổng ra vào các trường học tối thiểu 200m; có trách nhiệm kiểm tra bảo đảm thông tin đăng nhập người chơi khai báo trên máy tính đúng với chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người chơi; lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người chơi và người bảo lãnh cho người chơi dưới 14 tuổi, bao gồm họ tên, năm sinh, địa chỉ thường trú, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

Tin cùng chuyên mục