'Quân đội Việt Nam lật đổ Pol Pot là hành động giải cứu nhân loại'

ANTD.VN -Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quân đội tình nguyện Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn giáo sư Go Ito, chuyên ngành quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và an ninh quốc tế, khoa Khoa học chính trị và Kinh tế, Đại học Meiji về đóng góp của quân đội tình nguyên Việt Nam cho hòa bình của nhân dân Campuchia.
Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek, Campuchia. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Đánh giá về việc quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia, giáo sư Ito cho rằng quân đội Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Campuchia. 

Theo ông, vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, cộng đồng quốc tế hầu như không biết hành động diệt chủng của chế độ Pol Pot.

Trong khi đó, thực tế, cùng với nạn diệt chủng là những hành động vi phạm nhân quyền một cách man rợ đang xảy ra tại Campuchia. 

Trước thực trạng đó, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, hai năm sau đó (vào năm 1977), quân đội Việt Nam đã tiến vào Campuchia, lật đổ chế độ Pol Pot. 

Giáo sư Ito khẳng định đối với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mang tính quốc tế của chế độ Pol Pot, việc quân đội Việt Nam lật đổ chế độ này là hành động giải cứu nhân loại, là một đóng góp lớn của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế, đó chính là ý nghĩa tích cực của việc quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia.

'Quân đội Việt Nam lật đổ Pol Pot là hành động giải cứu nhân loại' ảnh 2Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về phán quyết của Tòa án quốc tế xét xử tội ác Pol Pot tại Campuchia (ECCC), giáo sư Ito cho rằng cộng đồng quốc tế đã thống nhất để đưa ra một phán quyết duy nhất, mạnh mẽ nhất đối với hành động xâm phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng. 

Nói cách khác, các hành động xâm phạm nhân quyền là bị nghiêm cấm, song thực trạng thời điểm đó ở Campuchia thậm chí còn kinh hoàng hơn vi phạm nhân quyền, đó là nạn diệt chủng.

Ông đánh giá đây là phán quyết mạnh mẽ, gửi đến cộng đồng quốc tế thông điệp rõ ràng rằng diệt chủng là hành động không thể dung thứ. 

Theo giáo sư, mặc dù tiến trình điều tra xét xử diễn ra quá dài, trong khoảng 40 năm, song xét về tổng thể, việc cộng đồng quốc tế thống nhất đưa ra thông điệp lên án vi phạm nhân quyền, nạn diệt chủng tại Campuchia, về bản chất đã mang một giá trị lớn.