Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm

ANTD.VN -  Sáng ngày 11/2, tức ngày mồng 7 tháng Giêng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam đã tham dự lễ hội Tịch Điền tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Lễ hội Tịch Điền đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một lễ hội có ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông, “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai xuân động thổ” cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân được ấm no hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khai hội.

Đến dự và phát biểu tại lễ hội Tịch Điền, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: "Trong hàng ngàn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, Lễ hội Tịch Điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng".

Lễ hội Tịch Điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực hiện nghi thức xuống đồng

Sau nghi lễ dâng hương, trong tiếng trống rền vang, một vị bô lão cao tuổi của Đọi Sơn khoác Long bào, nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp sau đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo ngành, địa phương, các bô lão trong xã tiến hành nghi thức với những đường cày thẳng tắp.

Lễ hội Tịch Điền diễn ra trong không khí rộn ràng, náo nức, hòa cùng sắc xuân của đất trời, khí thế của lòng người hứa hẹn niềm tin vào một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo “Việt sử lược”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch Điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước và mở đầu cho phong tục tốt đẹp để các triều đại sau noi theo.
Theo phong tục, lễ Tịch Điền là ngày hội xuân, sau khi đã làm lễ cúng thần nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 sá, các vương tôn, công khanh cày 7 sá, sỹ phu cày 9 sá. Giống lúa cấy trên ruộng tịch điền được tuyển chọn cho thứ gạo ngon, quý, được dung làm phẩm vật trong các lễ tế quan trọng của triều đình...
Từ đó về sau, Lễ Tịch Điền trở thành một mỹ tục mà các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Tịch Điền là sự kế thừa và phát huy truyền thống của tổ tiên, luôn coi trọng sự phát triển nông nghiệp đối với sự phát triển của đất nước và trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.