Phạt "phủi bụi", khó trị nạn trốn đóng bảo hiểm

ANTD.VN - Đánh giá về việc chấp hành chính sách BHXH của các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Chang-Hee-Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, tình trạng trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn diễn ra ở khắp nơi, với nhiều hình thức khác nhau.

Phạt "phủi bụi", khó trị nạn trốn đóng bảo hiểm ảnh 1Cần cung cấp thường xuyên về tình trạng đóng BHXH của chủ sử dụng lao động tới người lao động

“Doanh nghiệp không đăng ký, không ký hợp đồng hoặc đăng ký tham gia BHXH với mức lương thấp hơn thực tế. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng cũng diễn ra phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”, ông Chang-Hee-Lee chia sẻ. 

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nêu rõ, lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu, mỗi cán bộ bình quân phụ trách theo dõi khoảng 100.000 lao động, trong khi theo ILO khuyến nghị các nước đang phát triển thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ phụ trách từ 1.000-2.000 lao động. Đó là chưa kể cứ 10 cán bộ thanh tra, kiểm tra mới chỉ có 1 cán bộ được đào tạo bài bản.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra an sinh xã hội của các nước trên thế giới, ông Paguman Singh, chuyên gia quốc tế của ILO cho biết: “Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều đang tồn tại 3 hình thức thanh tra, kiểm tra chính gồm: thanh tra định kỳ, thanh tra theo dõi khi phát hiện tình trạng nợ đọng và thanh tra khảo sát. Việc áp dụng hình thức thanh tra nào tùy thuộc vào việc tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, nếu việc tuân thủ kém thì cần phải thanh tra nhiều lần và phải có những quyết định xử phạt đủ tính răn đe”, ông Paguman Singh nhấn mạnh.

Để nâng cao năng lực thanh tra BHXH ở Việt Nam, ông Paguman Singh khuyến nghị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao tính tuân thủ pháp luật. Đồng thời cần công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, cung cấp thường xuyên về tình trạng đóng BHXH của chủ sử dụng lao động cho người lao động để họ chủ động trong việc theo dõi các quyền lợi của mình. Đặc biệt, cần có biện pháp xử phạt tức thời đối với người sử dụng lao động khi không tuân thủ pháp luật về BHXH.