Phạm nhân lao động ngoài trại giam thực chất vẫn trong phạm vi quản lý của trại giam

ANTD.VN -  Đó là một trong những nội dung được Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, tiếp thu ý kiến liên quan đến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được các ĐBQH đưa ra thảo luận vào chiều nay 22-5.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về những nội dung liên quan đến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Tiếp thu giải trình một số nội dung ĐBQH nêu liên quan đến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trân trọng cảm ơn ĐBQH đã quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc cho dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, về căn cứ pháp lý của việc tổ chức cho phạm nhân ra lao động ngoài trại giam, mấu chốt nhất là quy định về điểm lao động, dạy nghề của phạm nhân ngoài trại giam. Tức là phạm vi, cơ sở lao động, dạy nghề chứ không phải ra ngoài xã hội lao động.

“Điểm này cũng đã được nêu rõ trong báo cáo. Khi xây dựng luật đều có thống nhất giữa trại giam và chính quyền địa phương. Về phạm vi hoạt động của các cơ sở lao động, dạy nghề ngoài khu vực trại giam này có thiết kế theo mẫu của các trại giam, nằm trong phạm vi quản lý của trại giam, có phân công cán bộ quản lý, phạm nhân lao động ở đây được lựa chọn với những điều kiện nhất định, có cơ chế quản lý như trong trại giam, biên chế thành các tổ, đội và vẫn thực hiện các chế độ như trong trại giam”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết thêm, phạm nhân khi được tổ chức ra ngoài trại giam lao động đều được thực hiện theo các quy định về quản lý giam giữ như: điểm danh, điểm diện, không đi lại, gặp gỡ tiếp xúc, thăm thân... Thực chất của việc này là thực hiện ngoài trại giam nhưng vẫn trong phạm vi quản lý của trại giam.