Phải tăng tốc xử lý các vụ án Mobifone, Út "trọc", ALCII, đánh bạc trên mạng…

ANTD.VN - Ngày 10/11/2018 tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay.

Kê biên, thu giữ tài sản trên 3.000 tỷ đồng trong các vụ án

Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, nhất là: Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo, đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo, tại các Phiên họp 13, 14 của Ban Chỉ đạo và Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo dấu ấn tốt, bước chuyển mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Thời gian qua, nhất là sau 2 phiên họp của Ban Chỉ đạo và cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo, tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt.

Rõ ràng, kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua tiếp tục đà đã có, thậm chí đẩy mạnh hơn lên, có những việc làm không tên, nhưng vẫn âm thầm làm, như xây dựng luật pháp, hoàn thiện cơ chế… Vừa rồi, bên trên chuyển động, bên dưới bắt đầu ấm dần lên, không còn lạnh như trước, nhiều nơi đã tự kiểm tra và xử lý. Sắp tới, các địa phương phải làm mạnh hơn nữa, đồng thời chú ý công tác tuyên truyền, những điển hình, nhân tố mới cần tiếp tục phát huy.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp

Từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo.

Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án: Vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB).

Các cơ quan chức năng tích cực xác minh, điều tra làm rõ 1 vụ án, 3 vụ việc, 6 kiến nghị của Hội đồng xét xử sơ thẩm liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; mở rộng điều tra, khởi tố mới 2 vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, các cơ quan chức năng khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII); trên cơ sở đó, tích cực làm rõ sai phạm để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các cơ quan chức năng cũng đã tích cực kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 5 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…

Phải có biện pháp với cơ quan giám định

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, do đó, chúng ta không thể bằng lòng, thỏa mãn.

Tại cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã bàn một số vụ việc cụ thể có vướng mắc, tập trung vào các vụ việc cần chỉ đạo, thực hiện ráo riết, quyết liệt, hiệu quả hơn thời gian tới. Theo đó, các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu đến hết năm 2018 kết thúc điều tra 8 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3 vụ án; xét xử sơ thẩm 2 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Toàn cảnh phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng 

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB).

Các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; kết thúc điều tra, truy tố vụ án“Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII).

Các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện giám định, định giá tài sản theo quyết định trưng cầu của Cơ quan điều tra, phục vụ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Về một số vụ việc có khó khăn trong khâu giám định, định giá tài sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Vấn đề này đã được bàn ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ. Giám định chỉ là một khâu và cũng là để tham khảo, là một căn cứ chứ không phải tất cả, cho nên không quá câu nệ chỗ này một cách máy móc.

Nhưng mặt khác, kết quả giám định lại là căn cứ để xử lý khi ý kiến của các cơ quan không chứng minh được, không có sự thống nhất. Vấn đề ở đây là khâu giám định, cơ quan giám định, cá nhân giám định, chỗ nào yếu phải sửa, nếu khuyết phải bổ sung, làm sao để rõ ràng minh bạch hơn. Nơi nào làm tốt thì phải khen thưởng, động viên anh em, những nơi làm chưa tốt phải nhắc nhở, phê bình, thậm chí phải xử lý.

Nếu cơ quan giám định làm không đúng, không khách quan, sai lệch, nhẹ là phê bình nhắc nhở, nhắc nhở nhiều lần không được thì phải xử lý, cần thiết thì chí ít là thay cán bộ, nếu vi phạm luật thì phải xử lý, phải làm chứ không nói mãi thế này không chuyển.

Giám định là một kênh để tham khảo nhưng rất quan trọng, làm minh bạch hóa ra, nhưng nếu không làm được, vụ nào vướng thì phải xử lý chính anh làm giám định. Các khâu khác còn khó hơn nhiều, như điều tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là kiểm tra, anh em vẫn âm thầm làm.

“Việc này đã nói từ lâu, nhiều lần rồi, sắp tới phải có biện pháp với cơ quan giám định, xem xét những anh làm giám định, sẽ kiểm tra, giám định chính anh làm giám định xem anh có làm tốt chức trách của anh không, có đúng luật pháp, đúng trách nhiệm, lương tâm của anh không, hay là nể nang, né tránh, hay anh có cái gì mà “há miệng mắc quai” không, có dây dưa ở đây không? Nếu có phải xử lý luôn, tức là chúng ta phải xét xử ngay những người vi phạm trong công việc xét xử, bất cứ khâu nào, như vậy mới nghiêm được” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Quá trình điều tra, thanh tra, xử lý, các khâu nói chung là nhanh, là tốt rồi, nhưng có những khâu vẫn chậm so với tiến độ, kế hoạch. Lý do vì sao mà chậm, khách quan hay chủ quan, hay cố tình trì hoãn, việc phải làm nhanh nhưng không làm nhanh, lại đi làm việc khác, che đậy việc này cho nó chìm xuồng đi, cho nên phải xét động cơ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng: “Bản thân cơ quan tố tụng, cơ quan làm những việc này cũng phải là đối tượng xem xét để xem có làm đúng không, không phải mình có quyền thì muốn quyết ai, quyết thế nào thì người ta phải chịu, có luật cả rồi”.

Về những việc sắp tới, các ý kiến thống nhất rất cao vụ "Út Trọc" giao cho Ban Chỉ đạo 110, tạo điều kiện thuận lợi để làm chính xác hơn; hay đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các vụ: Cảng Quy Nhơn, gỗ Quảng Trị, ALCII, Ocean Bank, BIDV…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, sắp tới phải đẩy mạnh chống tham nhũng vặt, việc này lâu nay đã nói rồi, như ghẻ ruồi rất khó chịu, gây mất lòng tin trong nhân dân, đặc biệt là các cơ quan hành chính, om giấy tờ của người ta đấy, rồi hẹn, bắt người ta đi lại nhiều lần, rất khó chịu.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, chỗ nào đã hẹn thời gian mà không làm được, bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp xử lý. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cũng đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, phải kịp thời khen thưởng những nơi làm tốt, phê bình nghiêm khắc, thậm chí xử lý cơ quan nào làm không nghiêm túc công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…