Nới tuổi nghỉ hưu không phải để giúp quan chức "giữ ghế"

ANTD.VN - Liên quan đến những ý kiến lo ngại cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ chỉ có lợi cho quan chức “giữ ghế” lâu hơn, phóng viên ANTĐ đã phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Nới tuổi nghỉ hưu không phải để giúp quan chức "giữ ghế" ảnh 1“Nếu nói tăng tuổi nghỉ hưu không tác động đến việc nới tuổi quy hoạch cán bộ là không đúng, nhưng tác động rất chậm” ĐBQH Bùi Sỹ Lợi 

Phải đảm bảo lợi ích của người lao động - doanh nghiệp - Nhà nước

- PV: Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Ông có thể nói rõ hơn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tại dự thảo bộ luật dựa trên những cơ sở nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay được quy định trong Bộ luật Lao động 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), theo đó tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 và nữ là 55, riêng những ngành nghề độc hại, nguy hiểm thì được giảm tiếp từ 5-10 năm. Thế nhưng thực tế, bình quân tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ ở nước ta chỉ đạt 54 tuổi. Như vậy, chúng ta đang về hưu không đúng với quy định hiện tại.

Mặt khác, theo một khảo sát khoa học thì trong tổng lực lượng lao động của chúng ta có tới 42% lao động đã nghỉ hưu, đang hưởng lương hưu, nhưng vẫn làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Như vậy có nghĩa là lao động dù về hưu vẫn có đóng góp cho nền kinh tế, xã hội. Trong khi đó, nếu 42% lao động này tiếp tục làm việc, tiếp tục đóng BHXH thì khi về hưu sẽ có mức lương hưu cao hơn. Như vậy, nếu đánh giá thực trạng về tuổi nghỉ hưu hiện nay, theo quy định của pháp luật thì chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực rất quan trọng. Thực tế nguồn nhân lực này là những người có chuyên môn, có trình độ quản lý và có tay nghề cao trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Có ĐBQH cho rằng, qua khảo sát thì phần lớn công nhân không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ông nhìn nhận gì về quan điểm này?

- Điều này cũng dễ hiểu bởi như tôi đã nói, sau khi nghỉ hưu, hơn 40% người lao động vẫn tiếp tục làm việc, nhưng là công việc khác. Khi đó, họ vừa được hưởng lương hưu, vừa có thêm thu nhập mới, tức là có 2 nguồn thu nhập. Song, lợi cho người lao động nhưng phần nào đó chúng ta sẽ không hạch toán được, không đánh giá được kinh tế “ngầm”. Và tôi cho rằng, khi ta huy động được nguồn lực này, khi họ không phải làm ngoài mà làm trong khu vực kinh tế nhà nước thì quản lý của chúng ta sẽ tốt hơn, đồng thời giúp tăng được thuế, tăng được nguồn thu cho ngân sách.

Điều này hết sức quan trọng, bởi chúng ta phải hiểu rõ, muốn làm gì cũng phải đảm bảo được lợi ích của 3 bên: Người lao động - Doanh nghiệp - Nhà nước. Còn nếu chỉ tập trung vào lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, bỏ trống phần Nhà nước thì làm sao có nguồn thu để chúng ta tái đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi… Nhưng đây là quyền của người lao động, nếu chúng ta muốn huy động thì phải có chính sách khuyến khích.

Nói tăng tuổi nghỉ hưu giúp lãnh đạo “giữ ghế” là không đúng

- Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định người làm công tác quản lý được quyền nghỉ hưu muộn 5 năm. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu không có lợi cho công nhân, nhưng có lợi cho cán bộ lãnh đạo. Vậy thực tế liệu có đúng như thế không, thưa ông?

- Đúng là có nhiều ý kiến cho rằng việc “nới” tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến việc “nới” tuổi quy hoạch cán bộ. Thực tế, nếu nói không tác động là không đúng nhưng tác động rất chậm. Chẳng hạn, theo đề xuất tại phương án 1, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam giới mỗi năm cộng thêm 3 tháng và nữ cộng thêm 4 tháng, khi đó thì đương nhiên công tác quy hoạch những người giữ chức vụ lãnh đạo cũng sẽ được cộng thêm tương ứng. Do đó, Chính phủ phải nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Còn chuyện lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu để giúp quan chức “giữ ghế” thì tôi cho rằng không đúng. Người ngoài nhìn vào sợ các lãnh đạo ngồi “giữ hết ghế” của người trẻ, nhưng thứ nhất, Đảng đã quy định cán bộ quản lý không giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ. Thứ hai, như tôi đã nói ở trên, nếu anh (lãnh đạo - PV) ở lại thì chỉ nên làm chuyên môn, làm chuyên gia, còn nếu làm quản lý thì phải trường hợp thật sự đặc biệt, cơ quan tổ chức đó cần và không có người thay thế. Nếu người biết làm lãnh đạo, giỏi làm lãnh đạo thì cũng biết kết thúc lúc nào.

Theo như dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định về quyền nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn thì người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt được quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. Như vậy, người làm công tác quản lý là nam giới được quyền nghỉ hưu ở tuổi 67 (khi tuổi nghỉ hưu nâng lên 62 tuổi), tương tự với nữ giới nâng từ 60 lên 65 tuổi. Theo tôi, lúc đó, năng lực, khả năng, sức khỏe, trí tuệ để lãnh đạo có thể bị hạn chế thì anh không nên giữ vị trí lãnh đạo nữa, chỉ tập trung làm chuyên môn, tạo cơ hội cho lớp trẻ. Còn những người thực sự có tài, cơ quan đơn vị có nhu cầu, cấp ủy, Đảng có đề xuất, người ta có nguyện vọng thì có thể giữ lại. Nhưng đây phải là những trường hợp hết sức đặc biệt, coi là nhân tố trí tuệ cao.

- Vậy theo ông, có nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân về việc tăng tuổi nghỉ hưu?

- Năm 2014, khi làm Bộ luật Lao động, chúng ta đã lấy ý kiến toàn dân về tuổi nghỉ hưu rồi. Tuy nhiên, lần này cách thức khác nên cần tiếp tục lấy ý kiến. Quan trọng là phải lấy ý kiến người lao động ở tất cả các ngành nghề  để xác định ngành nghề nào có thể làm đến 60 - 62 tuổi, ngành nghề nào không thể nâng tuổi nghỉ hưu lên được, thậm chí, ngành nghề nào phải giảm tuổi nghỉ hưu… để tạo sự đồng thuận.

- Xin cảm ơn ông!