Nỗi gian truân... hạnh phúc!

ANTD.VN - Đã đi qua hàng chục tòa soạn trong suốt gần 10 năm cầm bút, với tư cách cộng tác viên, cuối cùng, tôi đã quyết định về làm việc tại Báo An ninh Thủ đô. Tôi tin đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất của bản thân. Bởi với tình yêu nghề cháy bỏng, tôi đã thỏa ước nguyện được dấn thân trên từng chặng đường tác nghiệp. Tuy vất vả, gian truân, nhưng tôi luôn cảm thấy đó là niềm hạnh phúc khó tả mà nghề báo mang lại.

Nỗi gian truân... hạnh phúc! ảnh 1Tác giả trong chuyến công tác tới các đồn biên phòng tại tỉnh Lai Châu

An ninh Thủ đô: Tờ báo truyền cảm hứng từ sự tử tế 

Trong số hàng chục tờ báo mà tôi từng cộng tác, An ninh Thủ đô là tờ báo mà tôi gắn bó lâu nhất. Đơn giản vì tôi cảm nhận được sự trân trọng mà tờ báo dành cho mỗi cộng tác viên, và vì đó là một tờ báo tử tế. Bởi thế, sau 5 năm cộng tác, tôi đã viết đơn để xin về làm việc chính thức tại báo. Từ đây, tôi thực sự được “cháy” hết mình với nghề, và hơn hết, tôi được truyền cảm hứng từ sự tử tế mà lãnh đạo Báo đã quán triệt. Còn gì hạnh phúc hơn, khi được làm điều mình yêu, với cái tâm thanh thản và trong sáng?

Trên chặng đường tác nghiệp của mình, tôi luôn giữ quan điểm: Nội dung do mình tạo ra phải có góc riêng, dữ liệu riêng, chi tiết “độc quyền” để đảm bảo phục vụ người đọc với chất lượng tốt nhất. Nếu mang tới một nội dung “nhờ nhờ” như những gì từng có, thì đó là một sự hổ thẹn. Tôi luôn nghĩ như vậy, và đó cũng là lý do tôi không ngần ngại dấn thân vào từng sự việc cụ thể, để làm rõ bản chất vấn đề. Khi độc giả đã dành tin tưởng, thì cái đúng - sai do nhà báo mang lại, phải khách quan ở mức tối đa có thể.

Hạnh phúc hơn thế, là khi tôi có cơ hội giúp đỡ những người trong cơn hoạn nạn, bằng chính ngòi bút của mình. Đó là thứ hạnh phúc rất khó diễn tả bằng lời! Bởi khi còn nhỏ, tôi cũng như rất nhiều bạn bè khác, luôn mong muốn mình trở thành một "siêu anh hùng", có thể dang tay hỗ trợ những người khó khăn. Lớn lên, thực tế dạy cho tôi rằng làm “siêu anh hùng” là điều... khó tưởng. Nhưng may mắn thay, với ngòi bút, với vai trò của một người xác minh, đi tìm sự thật và với vị trí là phóng viên của một tờ báo của Công an Hà Nội, tôi đã hiện thực hóa được mơ ước đó, để cất tiếng nói phản ánh về những hoàn cảnh khó khăn, về những con người cần trợ giúp, về sự thật bị che đậy với mục đích xấu...

Những kỷ niệm đẹp từng kể và chưa nói

Trong những sự việc mà tôi từng đeo bám, có những câu chuyện để lại dư vị rất ngọt ngào, khiến mỗi lần nghĩ lại, tôi đều cảm thấy tự hào và có thêm động lực gắn bó với nghề. Đó là vào một sớm ngày 20-3-2018, tôi nhận cuộc gọi từ một người quen, nói về trường hợp đặc biệt mà ông vừa tiếp xúc. Nạn nhân là một cậu bé 13 tuổi ở ngoại thành Hà Nội, phải vào viện điều trị sau khi kể rằng, có 3 kẻ đã ép, chích ma túy vào người em, rồi trên quãng đường trốn chạy, em lại bị kẻ xấu lạm dụng tình dục... Ngay lập tức, tôi gác lại mọi việc và tới gặp nạn nhân để xác minh. Trưa cùng ngày, tôi quyết định tới thẳng Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội để cung cấp thông tin. Ngay chiều hôm đó, trinh sát của Đội Trọng án được cử xuống gặp cậu bé, từ đó làm sáng tỏ mọi chuyện.

Ngoài những sự việc đã được đăng báo, còn một câu chuyện khác mà tôi đã quyết định không đưa công khai, song đó cũng là kỷ niệm ấn tượng với nghề mà có lẽ không bao giờ tôi quên. Đó là sau loạt bài cảnh báo về những hành vi xấu trên không gian mạng, một cô gái 17 tuổi trong TP.HCM đã viết lời cầu cứu, gửi vào phần bình luận của bài viết đăng trên Báo An ninh Thủ đô điện tử. Tình cờ đọc được, tôi hiểu ngay vấn đề khó khăn mà em gặp phải, nên lập tức liên hệ lại ngay để hỗ trợ. Do khoảng cách địa lý xa xôi, công cụ liên lạc duy nhất là điện thoại và mạng xã hội. Cô gái cho biết, sau khi chia tay người yêu cũ, cô liên tục bị đối tượng đó dọa nạt sẽ tung hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng để bôi nhọ danh dự. Nếu không muốn bị như vậy, thì cô gái phải chiều theo những đòi hỏi của đối tượng... Bằng tất cả những mối quan hệ mà tôi có, trong vòng 1 tuần, tôi liên tục kết nối với các đầu mối trong TP.HCM để nhờ hỗ trợ cô gái. Cuối cùng cơ quan công an vào cuộc, sự việc kết thúc khi kẻ xấu bị cảnh cáo không được có hành vi bôi xấu, nếu không sẽ bị xử lý, trong khi cô gái trẻ được gia đình quan tâm hơn...

Đã có đồng nghiệp hỏi tôi: “Đến bao giờ thì thứ năng lượng tích cực đó hạ nhiệt?”. Tôi im lặng! Bởi nếu luôn nhìn thấy sự tử tế trong nghề cầm bút, tìm thấy hạnh phúc sau mỗi lần dấn thân tác nghiệp, thì năng lượng đó phải được bồi đắp để “bùng cháy” mạnh mẽ hơn, chứ làm sao lại hạ nhiệt?!