Những ký ức không thể lãng quên

ANTD.VN - Sáng ngày 18-1 tại Hà Nội, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức chương trình giao lưu và khai mạc trưng bày chuyên đề "Sáng mãi niềm tin" nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-2018) và 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018).

Không khuất phục trước những đòn tra tấn dã man

 Trong không gian của di tích nhà tù Hỏa Lò, những câu chuyện cảm động và hào hùng đã được làm sống lại qua lời kể của các cán bộ lão thành Cách mạng – những nhân chứng sống của lịch sử. Những câu chuyện ấy xoay quanh sự gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt, giam cầm, tù đày và cả những đòn tra tấn dã man của nhà tù thực dân đế quốc.

Đó là câu chuyện về người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Bình (Hà Nội) bị đóng 9 nhát đinh vào người, vẫn kiên quyết không khai và đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tuyệt đối bí mật về cuộc đấu tranh Cách mạng.

Cũng tại buổi giao lưu, khán giả còn được nghe câu chuyện của người cựu binh Lâm Văn Bảng chia sẻ ký ức về những đòn tra tấn mà ông đã chịu đựng khi bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. Nhớ lại, người cựu binh già kể, những vết thương cứ ngày một hằn sâu trên thân thể, vết thương trước chưa kịp lên da non, vết thương sau lại rỉ máu. Ngày đó, ông Lâm Văn Bảng còn bị giam giữ tại 3 nhà tù khác nhau. Nhà tù nào cũng muốn làm lung lay ý chí của các chiến sỹ cộng sản bằng đòn roi nhưng tất cả đã thất bại. Niềm tin vào Đảng, vào chiến thắng tất yếu của cuộc Cách mạng đã giúp ông và rất nhiều chiến sĩ bị bắt giam và tra tấn khi đó dũng cảm đương đầu, thậm chí chấp nhận hy sinh để bảo vệ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động cùng các khách mời cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề "Sáng mãi niềm tin"

Cùng chung mạch cảm xúc, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại thành phố Hà Nội - đã chia sẻ về thời gian ông bị bắt giam trong nhà tù thực dân tại Quảng Nam, nơi mà những trận tra tấn đau đớn về thể xác không thể làm lung lay ý chí Cách mạng. Đến nay, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đã có 75 năm tuổi Đảng, ông luôn hãnh diện kể cho các thế hệ trẻ ngày nay nghe về quãng thời gian hoạt động Cách mạng sôi nổi của mình. 

Niềm tin sắt son vào Đảng

Cũng tại đây, khán giả còn được lắng nghe câu chuyện của cựu tù chính trị Nguyễn Thị Hồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I, III về giây phút thiêng liêng được kết nạp Đảng tại nhà tù Hỏa Lò vào ngày 29-7-1952. Người nữ chiến sĩ ấy đã chịu đựng mọi gian khổ, đau đớn và cương quyết không khai, bất chấp những đòn tra tấn khủng khiếp.

Các đồng chí lão thành cách mạng ôn lại ký ức một thời qua các hình ảnh, hiện vật trưng bày

Nhớ lại, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, bà luôn tâm niệm: "Các đồng chí như Trần Phú, Lê Hồng Phong... tuổi đời tuy còn trẻ nhưng đã sáng lên ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến tới độc lập, hòa bình, thì một người trẻ tuổi như tôi không thể không noi gương. Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình làm gì thì làm, cần phải xứng đáng trước sự hy sinh của các đồng chí tiền bối". 

Chia sẻ của các nhân chứng lịch sử đã giúp người nghe hiểu thêm về động lực, niềm tin đã giúp họ vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống tù đày, giữ trọn tấm lòng với Đảng, với Cách mạng. Chính niềm tin đã tạo nên nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp người chiến sỹ vượt lên những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ địch, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng.

Trưng bày chuyên đề “Sáng mãi niềm tin”

Bên cạnh phần giao lưu với nhân chứng lịch sử, chương trình còn giới thiệu tới công chúng hình ảnh và tài liệu về 5 đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ…cùng một số tác phẩm tiêu biểu của các đồng chí như: "Luận cương chính trị" (Trần Phú), "Tự chỉ trích" (Nguyễn Văn Cừ), báo "Búa liềm", "Lao động" và một số tài liệu của Đảng. 

Triển lãm hấp dẫn ngay cả với các du khách nước ngoài

Trưng bày chuyên đề "Sáng mãi niềm tin" là lời khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định Cách mạng sẽ thành công. Những đóng góp, hy sinh của biết bao người thuộc thế hệ đi trước đã đem đến những mùa xuân hạnh phúc cho cả dân tộc.  

Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 14-2-2018 tại Nhà tù Hỏa Lò.