Nhiều "cơ hội vàng" cho Việt Nam sau APEC 2017

ANTD.VN - Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên cùng hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế, thông qua APEC 2017, Việt Nam có cơ hội để thu hút đầu tư, tranh thủ nguồn lực để phát triển kinh tế và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. 

Thông qua APEC 2017, Việt Nam có cơ hội để thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển ngành du lịch

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM 1) tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) cho rằng các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) có mức tăng trưởng kinh tế chung vào khoảng 3,3% năm 2016, cao hơn mức trung bình 3,1% của thế giới; trong giai đoạn từ nay đến năm 2019 sẽ tăng nhẹ và ngày càng ổn định, dù còn nhiều yếu tố bất định. Đóng góp vào thành công này có sự tham gia của hợp tác du lịch trong khu vực. 

Với 21 thành viên, chiếm 39% dân số, 46% diện tích thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu, APEC chiếm khoảng 80% kim ngạch buôn bán, 75% vốn FDI và trên 50% ODA của Việt Nam.

Năm 2015, khu vực APEC thu hút trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp và APEC đang tự tin hướng đến mục tiêu thu hút 800 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025. Năm 2016, khách du lịch từ các nền kinh tế APEC đến Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu lượt trong tổng số 10 triệu lượt, chiếm 81% tổng khách quốc tế đến Việt Nam… 

Việt Nam tham gia APEC từ 1998 và đã tích cực, chủ động tham gia các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và quá trình tự do hóa của APEC… Với tư cách thành viên đầy đủ và có trách nhiệm của APEC, Việt Nam đã tham gia chia sẻ một số kinh nghiệm, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác mới trong APEC; tham gia vào các Ủy ban chủ chốt, như Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban chỉ đạo của các quan chức cao cấp (SOM) về hợp tác kinh tế kỹ thuật; các tiểu ban quan trọng về tiêu chuẩn hợp chuẩn, thủ tục hải quan và các Nhóm Công tác quan trọng của doanh nhân, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Y tế và đối phó với tình trạng khẩn cấp, Nhóm công tác về chống khủng bố...; tích cực thực hiện nhiều chương trình hợp tác của APEC, như Chương trình hành động tập thể (CAPs) trong các lĩnh vực Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Thủ tục Hải quan, Kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) và Chương trình Hành động Quốc gia của APEC (IAPs)… nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, cũng như hợp tác về an ninh, y tế, giáo dục, du lịch. 

Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác du lịch và có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch trong khu vực, như khuyến khích tổ chức hội chợ du lịch APEC trên nguyên tắc tự nguyện, bên lề các sự kiện quan trọng của APEC; khuyến khích tổ chức diễn đàn du lịch-đầu tư APEC bên lề Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC; và khuyến khích mở các tuyến du lịch, đường hàng không trực tiếp nối các di sản văn hóa thế giới tại các nền kinh tế thành viên APEC. 

Năm 2017 Việt Nam lần thứ hai đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (sau OPEC-Việt Nam 2006), trong đó có Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững tại Hạ Long (tháng 6-2017) và Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC (tháng 10-2017) để định hướng cho Nhóm công tác về hợp tác phát triển du lịch APEC nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đóng góp của du lịch vào mục tiêu tăng trưởng bao trùm. Đặc biệt, “Tuần lễ Cấp cao APEC 2017” ở Đà Nẵng, có khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC và hơn 3.000 phóng viên đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội vàng cho du lịch Việt. 

Việt Nam đã thể hiện được vai trò chủ nhà trong việc chủ động đề xuất chủ đề, nội dung và các ưu tiên của hội nghị phù hợp với lợi ích của Việt Nam và các nền kinh tế thành viên. Hội nghị lần này hứa hẹn mang lại các kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng cường liên kết và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc tế với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cùng các ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng việc chọn ra được chủ đề và 4 hướng ưu tiên lớn cho APEC 2017 nhận được sự nhất trí của các thành viên, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm tổ chức thành công Năm APEC 2017, kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.