Nhiệt huyết, sáng tạo vì những tân binh Công an nhân dân

ANTD.VN - Huấn luyện chiến sỹ nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân (CAND) là trách nhiệm của những người cán bộ giảng dạy, đang công tác tại Trung tâm bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội. 

Hôm qua còn là những người học sinh, cán bộ Nhà nước, hoặc nhân viên trong một doanh nghiệp nào đó, hôm nay cũng vẫn họ đã trở thành... tân binh.

"Lò" luyện những chiến sỹ công an tương lai

Đang quen sống trong môi trường không kỷ luật, giờ giấc, đi về không có người quản lý, qua một đêm ngủ dậy, phải chấp hành nghiêm túc mọi tổ chức kỷ luật hoàn toàn mới. Sáng dậy sớm, ngày huấn luyện, tối sinh hoạt và đặc biệt không có người thân bên cạnh, chỉ có những người đồng đội cùng chung màu cảnh phục.

Không phải ai cũng dễ dàng thay đổi và chấp nhận, nhưng dưới sự tận tâm của những người thầy, sau 3 tháng huấn luyện, họ đã trở thành những chiến sỹ công an nhận nhiệm vụ tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội.

Huấn luyện nơi thao trường 

Trung tá Đào Thị Hạnh Ngàn, Đội trưởng Đội Huấn luyện, quân sự, võ thuật Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ khi chưa tiếp nhận chiến sỹ nghĩa vụ, Đội đã tiến hành tổ chức cho cán bộ chiến sỹ trong đơn vị nghiên cứu, bổ sung, biên soạn, chỉnh sửa giáo án phù hợp với các nội dung theo chương trình khung của Bộ Công an và kế hoạch của Công an thành phố.

Là những người trực tiếp huấn luyện chiến sỹ nghĩa vụ, đơn vị được chia thành 2 tổ công tác; trong đó, tổ chính trị là những người truyền dạy cho chiến sỹ nghĩa vụ kiến thức về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; tổ quân sự võ thuật ở nơi thao trường. Các cán bộ giảng dạy ở Đội đã tích cực, chủ động, nghiên cứu tài liệu, kịp thời cập nhật những thay đổi của giáo án phù hợp với các văn bản pháp luật. Thường xuyên cập nhật, bổ sung, thay đổi nội dung ngân hàng câu hỏi kiểm tra các môn chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, phù hợp với công tác công an trong tình hình mới.

“Nhiều năm gần đây, khi thực hiện quy định mới, số chiến sỹ nghĩa vụ được giữ lại ít nên nhiều học viên rất tâm tư, không muốn thực hiện nghĩa vụ công dân phục vụ trong lực lượng CAND. Tinh thần học viên sa sút thì thầy phải cố gắng nhiều hơn bằng sự nhiệt huyết, sáng tạo, tạo nên không khí sôi nổi trong lớp học” - chỉ huy Đội Huấn luyện, quân sự, võ thuật chia sẻ.

Với tâm huyết của mình, không chỉ truyền dạy kiến thức mà sau thời gian huấn luyện, các chiến sỹ nghĩa vụ còn thêm kỹ năng giao tiếp, tạo niềm vui, lấy lại tinh thần cho những người lính trẻ.

Rời gia đình, các chiến sỹ nghĩa vụ bước vào đợt huấn luyện đầy kỷ luật

Vui buồn người thầy

Rời thao trường, nhà trường, các chiến sỹ nghĩa vụ trở về với cuộc sống của người lính CAND. Lần đầu xa nhà, có chiến sỹ đã khóc vì nhớ mẹ, nhớ những bữa cơm gia đình. Trung tá Trần Mỹ Tuấn, Đội phó Đội Quản lý học viên, Trung tâm Huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ cho hay, với chức năng nhiệm vụ của mình, đơn vị phải quản lý học viên cả trong và ngoài giờ hành chính, tổ chức lớp học, điểm danh học viên vào lớp và đặc biệt, gắn với học viên trong từng bữa ăn giấc ngủ.

Trao đổi với chúng tôi, những cán bộ giảng dạy của Trung tâm đều nhắc nhiều về tâm tư của học viên với một tình cảm thân thiết nhất. Các anh các chị dường như đã coi học viên như con em của mình trong nhà. Mỗi khóa huấn luyện chiến sỹ nghĩa vụ thường được biên chế thành 3 trung đội và dưới đó là cấp tiểu đội. Mỗi cán bộ quản lý trực tiếp có mặt ở các tiểu đội và nắm rõ từng hoàn cảnh học viên, suy nghĩ của học viên với nhiệm vụ đang thực hiện và từ đó có sự điều hướng kịp thời.

Nhiệt huyết, sáng tạo vì những tân binh Công an nhân dân ảnh 3

Giờ lên lớp của các chiến sỹ nghĩa vụ

Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 4 năm, Đại úy Nguyễn Quang Đạt, cán bộ Đội Quản lý học viên kể, thời điểm ấy, Trung tâm tiếp nhận 500 chiến sỹ nghĩa vụ cho một đợt huấn luyện. Tuấn là một trong 500 chiến sỹ nghĩa vụ được biên chế vào tiểu đội của Đại úy Nguyễn Quang Đạt. Tuấn lầm lỳ ít nói, lúc nào cũng thích ngồi buồn một mình.

Đại úy Đạt đã tìm hiểu và được biết, trước thời điểm Tuấn nhập ngũ khoảng 1 tuần, 2 người thân sinh ra Tuấn đã lần lượt qua đời. Tuấn luôn có tư tưởng muốn được từ bỏ nhiệm vụ, về nhà chăm sóc em gái. Nắm bắt được nỗi buồn ấy của Tuấn, Đại úy Nguyễn Quang Đạt đã báo cáo chỉ huy Trung tâm lãnh đạo giúp đỡ. Trực tiếp chỉ huy Trung tâm đã gặp Tuấn, động viên, ổn định tâm lý để Tuấn an tâm bước vào đợt huấn luyện. Những lời thủ thỉ tâm tình ấy đã khiến Tuấn thay đổi nhận thức, quyết tâm huấn luyện và đã trở thành một chiến sỹ giỏi khi rời Trung tâm về đơn vị chiến đấu.

Ngày nhà giáo Việt Nam, ở nơi ấy, hoa tri ân các cán bộ giảng dạy rộn ràng trong từng đội công tác. Không mang danh hiệu người giáo viên nhưng những cán bộ giảng dạy ở Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội vẫn đang làm hết sức mình, nhiệt tâm vì các thế hệ chiến sỹ nghĩa vụ CAND của Công an thành phố Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục