Nhận thức rõ để triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm

ANTD.VN - Thiếu tướng, TS Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, chủ trì cuộc tọa đàm “Tội phạm giết người - nguyên nhân tâm lý, xã hội và giải pháp phòng, chống trên địa bàn TP Hà Nội” diễn ra vào ngày 29-6, đã đánh giá rất cao những tham luận, ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp của các nhà quản lý, nhà khoa học trong thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm giết người hiện nay.

Thiếu tướng, TS Đinh Văn Toản cũng khẳng định: Tọa đàm đã nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng các vụ án giết người, đặc biệt là những vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Giết nhiều người, giết người cướp tải sản, giết người vì động cơ đê hèn, giết người có tổ chức… trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, phạm vi cả nước nói chung từ năm 2013 đến nay; các đặc điểm, nguyên nhân tâm lý, xã hội có tính phổ biến, đặc trưng nhất của các đối tượng trong từng vụ án cụ thể, từng loại mâu thuẫn điển hình (giết người để cướp tài sản; giết người do mâu thuẫn tình ái, nợ nần, mâu thuẫn trong sinh hoạt, làm việc…; do mâu thuẫn bột phát như va chạm giao thông, nhìn đểu…; do mê tín; do tâm thần hoặc “ngáo đá” hay để che giấu hành vi phạm tội khác)….

Thiếu tướng, TS Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đánh giá cao vai trò, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia tội phạm học...tại tọa đàm khoa học, đồng thời khẳng định đây sẽ là những tư liệu quý giúp CATP Hà Nội trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung

Tọa đàm đã đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm giết người trong thời gian qua. Qua đó, nêu lên những kết quả đã đạt được, đồng thời tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đó để đưa ra những kiến nghị, đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, đặc biệt là phòng ngừa, hạn chế dẫn đến triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện tâm lý, xã hội thúc đẩy, phát sinh đối tượng thực hiện tội phạm, không để xảy ra các vụ án tương tự trong thời gian tới.

Đặc biệt, buổi tọa đàm cũng đưa ra một số dự báo về tình hình tội phạm giết người trên địa bàn thành phố, những nguyên nhân tâm lý, xã hội tiếp tục tác động, thúc đẩy, làm phát sinh tội phạm này trong thời gian tới; Từ đó có cơ sở để xây dựng hệ thống các biện pháp, giải pháp, phương hướng phòng, chống hiệu quả, phù hợp.

“Trên cơ sở dự báo về tình hình tội phạm giết người trên địa bàn thành phố, những nguyên nhân tâm lý, xã hội tiếp tục tác động, thúc đẩy, làm phát sinh tội phạm này trong thời gian tới và hệ thống những biện pháp, giải pháp được các đồng chí lãnh đạo, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoat động thực tiễn đưa ra, CATP sẽ tiếp thu, tập hợp để kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an và thành phố Hà Nội.

Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và trình độ hiểu biết của nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết, xử lý những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, huy động sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác phòng ngừa loại tội phạm này”-Thiếu tướng, TS Đinh Văn Toản nhấn mạnh.

Báo ANTĐ đăng tải một số ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, giáo dục, phòng ngừa

Qua các vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Thạch Thất trong thời gian qua, chúng tôi đã nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác quản lý địa bàn. Nguyên nhân xảy ra các vụ trọng án giết người có rất nhiều; từ mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn gia đình, hoặc “đầu trộm đuôi cướp”...Sau những vụ án, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở, cần phải có sự vào cuộc tổng thể, hiệu quả hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục, phòng ngừa các đối tượng vi phạm.

Thực tế hiện nay, công tác quản lý xã hội của các cơ quan chức năng, gia đình, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội địa phương hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Huyện Thạch  Thất có rất nhiều các mô hình phòng chống tội phạm, đoàn thể, nhưng chất lượng của các mô hình này trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là chưa thật sự rõ nét; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân – Phó trưởng CAH Thạch Thất

“Đánh” vào tâm lý tội phạm để ngừa trọng án

“Các đơn vị Công an cần tập trung phân tích về các biện pháp liên quan đến công tác phòng ngừa, cảm hóa, giáo dục những đối tượng một thời lầm lỡ. Lấy ngay ví dụ vụ trọng án trộm cắp, giết người xảy ra tại huyện Thạch Thất năm 2015, đối tượng sau khi mãn hạn tù sống ở ngoài cánh đồng, không công ăn việc làm chắc chắn tâm lý khi đó vô cùng chán chường, bi quan, tiêu cực. Ngoài công tác nghiệp vụ của cơ quan Công an, chính quyền cơ sở, các đoàn thể phải có trách nhiệm trong việc “kéo” những người này hướng thiện;  “đánh” vào tâm lý tội phạm để chuyển hóa suy nghĩ và phòng ngừa hành động tiêu cực có thể nảy sinh.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần phải nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, quản lý các đối tượng để xóa bỏ nguyên nhân. Việc phòng ngừa xã hội cần phải có cách tiếp cận mới hơn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, hướng dẫn các đoàn thể, xã hội các biện pháp phòng ngừa; Cơ quan Công an cần phối hợp chặt chẽ, bài bản, hiệu quả trong việc hỗ trợ, thăm hỏi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cùng với chính quyền các cấp để kịp thời phòng ngừa, triệt tiêu các mầm mống làm xảy ra trọng án”.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Hiệu trưởng Học viện Chính trị CAND

Thủ đoạn gây án của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Trên cơ sở thực tiễn, CAH Sóc Sơn cũng báo cáo trước các đại biểu những nguyên nhân dẫn tới các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn. Nhiều vụ trọng án có nguyên nhân xã hội, gia đình, nhiều mâu thuẫn xã hội bị dồn nén đã lâu nhưng chưa được phát hiện hoặc phát hiện nhưng không được giải quyết kịp thời. Nhiều đối tượng gây án manh động, có sự tính toán kỹ lưỡng, che giấu tinh vi thủ đoạn, hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra giải quyết vụ án. Có những vụ án đối tượng đột nhập vào nhà dân trộm cắp tài sản, khi bị phát hiện đã dùng hung khí giết người. Để che mắt lực lượng Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, đối tượng đã dựng hiện trường giả làm một vụ hỏa hoạn lớn, trước khi bỏ trốn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiểu – Phó trưởng CAH Sóc Sơn

Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trọng án ở các tỉnh, thành trên cả nước. Qua theo dõi cũng như phân tích, đối tượng gây án rất manh động và tinh vi. Bên cạnh những biện pháp nghiệp vụ của cơ quan CSĐT, chúng ta cần tận dụng công nghệ, hệ thống camera nhà dân, camera gia thông…để phục vụ quá trình điều tra vụ án. Tới đây, Cục CSHS sẽ kết hợp với một số lực lượng tư pháp, Cảnh sát quốc tế để đào tạo, tập huấn cho các đơn vị, tỉnh thành nhằm nâng cao nghiệp vụ điều tra, kinh nghiệm, kiến thức pháp luật…Cục CSHS cũng sẽ tập hợp những vụ án mang tính chất phổ biến, điển hình, đồng thời qua đó sẽ đề ra các biện pháp phòng ngừa chung, phòng ngừa nghiệp vụ, chuyên đề…

Thượng tá Tô Cao Lanh, Trưởng Phòng 8, Cục CSHS

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho công an cơ sở

Hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài. Nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng các chính sách của Nhà nước ta về phát triển du lịch, nhập cảnh qua các cửa khẩu vào nội địa để lẩn trốn hoặc gây án. Việc quản lý người nước ngoài cần phải được tăng cường, vừa phòng ngừa không để xảy ra tội phạm, đồng thời cũng nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm đối với những vi phạm. Bên cạnh những đơn vị nghiệp vụ tinh thuệ của Bộ Công an, các phòng chức năng, chúng ta cần tổ chức tăng cường đào tạo nâng cao nghiệp vụ hơn nữa cho lực lượng Công an cơ sở; đồng thời tăng cường dữ liệu quản lý bằng công nghệ cao.

Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công an