Nhân lên những điều đẹp đẽ

ANTD.VN - Lứa cuối 7X chúng tôi ra trường vào đầu những năm 2000. Đó là một thời điểm mà internet mới định hình và phát triển những bước đầu tiên. Những công cụ tìm kiếm, thậm chí khái niệm “báo mạng” còn là thứ gì đó rất mới mẻ. Và có nằm mơ cũng không tưởng tượng được đến một ngày mạng xã hội phát triển, mọi thứ bị cuốn vào guồng “từ khóa hot”. Ăn theo trend, nói theo trend, và để có người đọc thì báo chí buộc phải chạy theo… trend. Mà trend thì đôi khi cũng khó nói lắm. Đại khái là một thứ mà khi viết nhiều nhà báo không dám ký tên thật lẫn bút danh mình hay dùng. 

Nhân lên những điều đẹp đẽ ảnh 1Phóng viên Báo An ninh Thủ đô tác nghiệp tại hiện trường (Ảnh: Quân.Trần)

Những người làm báo đa phần có tính hài hước, lại cũng đa phần hay tự trào. Thi thoảng đùa nhau “tuy làm báo nhưng mà tốt”. Đôi khi chỉ đùa thôi, nhưng mà đắng cay sộc lên tận óc. Con sâu làm rầu nồi canh, người làm báo hổ danh bởi những vụ tống tiền doanh nghiệp cũng nhiều rồi.

Cái hồi đình Lương Xá ở Ứng Hòa bị dỡ ra xây mới, báo chí vào cuộc, phân tích đúng sai, rõ ràng việc địa phương đã phớt lờ Luật Di sản Văn hóa. Ngôi đình với kiến trúc gỗ truyền thống bị thay thế bởi một công trình bê tông đồ sộ với lý do “xin phép chưa được” và “không có kinh phí”. Gạt đi mọi chuyện về quy trình, chỉ nói chuyện bảo tồn thì rõ ràng, địa phương nói rộng hơn là Hà Nội đã mất hẳn một di sản với những mảng chạm trên đầu đao gác mái tinh xảo có một không hai, có bàn cách nào đi chăng nữa cũng không cứu vãn được (những ảnh chụp còn lưu ở Viện Bảo tồn di tích - Bộ  VH-TT&DL cũng như trong một vài kho tư liệu ảnh của thành viên nhóm Đình làng Việt).

Mọi chuyện sai - đúng tưởng như rõ ràng. Ấy thế mà phóng viên bị dăm người nhắn tin vào trang cá nhân trên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục. Đại khái là vì “chúng mày giật tít câu view nên công trình phải dừng lại”. 

Mấy năm trước, tôi được tham gia một đoàn khảo sát du lịch tới Cự Đà, một ngôi làng cổ bên bờ sông Nhuệ. Làng cổ, nhưng lại có nghề làm miến với tương. Tương Cự Đà nức tiếng gần xa ai cũng biết. Đi dọc đường làng, vừa giơ máy ảnh lên chụp, đám thanh niên trong ngõ xông ra văng tục, đủ các từ tục tĩu. Các doanh nghiệp lữ hành có mặt trong chuyến khảo sát đưa mắt nhìn nhau: “Ôi thôi, thế này thì chết, thân thiện mến khách ở đâu mà vừa đưa máy ảnh lên đã ăn chửi”. Hỏi cán bộ địa phương mới rõ nguồn cơn là thế này. Mấy bữa trước, có trang tin nào đó, đưa chuyện làng nghề ô nhiễm rồi kéo cả chuyện làm miến làm tương, nào thì phơi ở nơi không an toàn vệ sinh thực phẩm. Một vài cái ảnh chưa rõ nguồn gốc được share chóng mặt trên mạng xã hội. Người làm miến ở đây lao đao, rồi bức xúc. Báo nào đưa cũng chẳng biết, nên cứ báo chí nói chung mà quy tội.

Rồi cũng có lần, tôi được mời tới thăm một ngôi chùa cổ. Đặt chân tới cổng chùa thì ngỡ ngàng vì chùa đã được xây mới, còn chừa lại đúng chùa chính. Cả trăm bức tượng khổng lồ bày ràn rạt ngoài sân, mỗi tượng đóng một tấm biển nhỏ ghi danh người công đức. Du khách vãn cảnh chùa chẳng biết ra sao, tưởng tên người công đức là tên bức tượng bồ tát đang được thờ. Thế là hương khói nghi ngút cho cả người sống.

Là phóng viên theo dõi di sản gần 20 năm, nhìn qua là biết, chẳng có đơn vị chức năng nào cấp phép hay thỏa thuận cho chùa xây mới và xây to thế này. Chùa Việt mà ngỡ như bên Trung Quốc hay Thái Lan. Đem chuyện cấp phép chùa đi hỏi Trưởng phòng Văn hóa huyện, ông này bảo không biết. Hai hôm sau khi có điện thoại của bên du lịch, đơn vị mời đi khảo sát tour, mắng  phóng viên là: “Em mời chị đi mà chị lại hỏi thế quá bằng chị làm khó em, làm khó cho địa phương”. 

Mấy đồng nghiệp báo chí đùa rằng, phát hiện đề tài về xây dựng trái phép trên di tích đã khó, mà thúc đẩy được cơ quan chức năng giải quyết triệt để theo đúng Luật Di sản còn khó hơn. Bởi đa phần các cấp quản lý còn du di, còn lấy sự “thông cảm” đặt lên hàng đầu. Vì thế mới có một Hương Nghiêm Pháp đường chễm trệ ở sân Thiên Trù, một nhà tổ chùa Trăm Gian bị tự ý tháo dỡ, mãi sau mới khắc phục được.

Mấy hôm nay, báo chí lại rầm rộ đưa tin về cái dự thảo quanh nước mắm truyền thống - nước mắm công nghiệp. Chai nước mắm tưởng như là thứ rất nhỏ, nhưng hóa ra lại tác động lớn. Báo chí vào cuộc đầy trách nhiệm, đọc những bài phân tích các chuyên gia của báo bạn hay báo mình đều muốn chia sẻ cả. Lại thấy yêu nghề hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, báo chí -  hay nói đúng hơn là trang tin điện tử bị “hiểu nhầm” là báo chí - dù cho mấy năm gần đây có “nhiều sâu” hay khai thác những đề tài nhảm nhí để bất chấp câu view thì vẫn có những tờ báo chững chạc, những bài báo chững chạc hàng ngày ra mắt phục vụ bạn đọc.

Bởi lẽ, “từ khóa hot” chỉ là những thứ thoáng qua, nhưng một tờ báo tử tế, một nền báo chí tử tế, những phóng viên tử tế vẫn hàng ngày tiếp cận và truyền tải tới bạn đọc để nhân lên những điều đẹp đẽ và chống lại những thứ chưa tốt còn tồn tại trong cuộc sống này.