Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: Tổng giá trị quyết toán chênh lệch cả nghìn tỷ đồng

ANTD.VN - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) từ khi triển khai dự án đến thời điểm 31-12-2015 đã chỉ ra nhiều sai phạm.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và con số tổng giá trị quyết toán của dự án do nhà đầu tư đưa ra chênh lệch lên tới 147,7 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Từ đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm giá trị quyết toán dự án hoàn thành 61.961.523 USD.

Chậm hoàn thành 17,5 tháng

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trước đây là một hạng mục của Công viên Yên Sở, được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad. Sau đó, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được tách ra thành dự án riêng, được đầu tư theo hình thức BT tại Biên bản thỏa thuận ngày 14-8-2007 giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad.

Dự án được phê duyệt theo Quyết định số 1263/QĐ-UBND ngày 19-3-2010 của UBND TP Hà Nội. Quy mô đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ xử lý sinh học theo mẻ với công suất 200.000m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án là 319.205.770 USD. Ngày 29-9-2011, dự án được ký hợp đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo quy định của hợp đồng BT được các bên ký kết, thời gian hoàn thành dự án là ngày 15-3-2012. Thực tế, việc hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội bị chậm so với thời gian đã ký kết 17,5 tháng (thời gian bàn giao chính thức ngày 30-8-2013). Nguyên nhân chính là do thực hiện công tác GPMB các hạng mục ngoài nhà máy chậm và do thay đổi, điều chỉnh thiết kế.

Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã lập Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và xác định tổng giá trị quyết toán bao gồm 232.964.964 USD và chi phí GPMB hơn 52,4 tỷ đồng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán số liệu tài chính của dự án có sự chênh lệch rất lớn với con số đã nêu nói trên của nhà đầu tư - khoảng 147,7 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng.

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã đi vào hoạt động hơn 3 năm nay

Vì sao có sự chênh lệch lớn?

Lý giải sự chênh lệch rất lớn nói trên, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Cụ thể, chi phí xây dựng phải giảm 44.804.943 USD do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc; sai đơn giá... Chi phí thiết bị cũng phải giảm 33.690.146 USD do sai khối lượng; sai tỷ lệ… Chi phí tư vấn cũng giảm 9.185.498 USD. Chi phí giai đoạn II giảm 11.548.183 USD. Chi phí giải phóng mặt bằng giảm hơn 20,6 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư của dự án được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định, làm tăng vốn cho dự án (tăng thêm 15% khối lượng công tác khác (trong đó đã có dự phòng khôi lượng) 18,4 triệu USD; lợi nhuận định mức 6% - tăng 0,5% so với quy định của Bộ Xây dựng; sai khối lượng, đơn giá 12,7 triệu USD; giá thiết bị tăng 26,4 triệu USD... so với dự toán được duyệt; tổng mức đầu tư được duyệt tăng 81,6 triệu USD…).

Chủ đầu tư đã thực hiện lập quyết toán dự án tháng 6-2015, thuê đơn vị kiểm toán độc lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và trình Sở Tài chính thẩm định vào tháng 9-2015. Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài chính chưa có biên bản thẩm tra và chưa ban hành quyết định phê duyệt. Mặt khác, công tác nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành đã có những sai sót dẫn tới số liệu chênh lệch do Kiểm toán Nhà nước phát hiện (147.798.052 USD) trên tổng số giá trị quyết toán báo cáo 232.964.964 USD (chưa tính chi phí GPMB). “Đơn vị kiểm toán độc lập của dự án là Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long - T.D.K, trong quá trình kiểm toán độc lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đã không phát hiện và có kiến nghị về những vấn đề này” – Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm

Từ kết quả kiểm toán, đồng thời cân đối giá trị quyết toán hợp đồng BT so với giá trị tiền sử dụng đất của khu đất C2 đã được UBND TP Hà Nội giao cho nhà đầu tư, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm giá trị quyết toán dự án hoàn thành 61.961.523 USD. Trong đó, Tập đoàn Gamuda Berhad  - Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam phải nộp trả UBND TP Hà Nội (nộp vào ngân sách Nhà nước) hơn 22,1 triệu USD hoặc trả lại diện tích đất có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng, hoặc cả hai hình thức. Ngoài ra, phải giảm số tiền được UBND TP Hà Nội thanh toán so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập là hơn 39,8 triệu USD.

Phát hiện nhà đầu tư đã kê khai thuế GTGT của dự án chậm so với quy định, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thanh tra về việc kê khai nộp thuế của Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam và đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Kiểm toán Nhà nước còn đề nghị UBND TP Hà Nội thực hiện xử lý theo đúng các quy định trong hợp đồng BT đối với các sai phạm của Tập đoàn Gamuda Berhad  - Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam.

Chỉ ra hàng loạt thiếu sót của các sở ngành thành phố Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã không kịp thời quyết toán hợp đồng BT, làm chậm thu hồi số tiền hơn 22,1  triệu USD. Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm định tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế dẫn đến còn tăng so với dự toán được duyệt 81,6 triệu USD.

Cơ quan Kiểm toán cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP chấp thuận ký hợp đồng BT đã bỏ qua nội dung “Trước khi bàn giao cho UBND TP Hà Nội nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm mọi chi phí để vận hành nhà máy trong 5 năm sau” tại Điều 2 của Quyết định số 3000/QĐ-UBND ngày 28-7-2008 của UBND TP Hà Nội. Do đó, thành phố Hà Nội phải tự bỏ chi phí để quản lý vận hành dự kiến lên tới 450 tỷ đồng (tính theo chi phí bình quân cho 1 năm đã thực hiện 90 tỷ đồng)...

Tin cùng chuyên mục