Nguy cơ mất quyền lợi vì thuê nhà… nhầm chủ

ANTD.VN - Sau nhiều năm thuê ki-ốt tại tầng 1 để làm nơi kinh doanh, nhiều hộ dân tại chung cư N11B - khu tái định cư 5,03ha phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nguy cơ mất cả chì lẫn chài vì sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Điều đáng nói là, nguồn cơn của những rắc rối này lại xuất phát chính từ sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của đơn vị được nhà nước giao quyền quản lý tài sản mà người dân đã thuê và sử dụng.

Nháo nhác vì bị đòi nhà

Đã nửa tháng nay, gia đình chị Vũ Bích Lan - chủ ki-ốt số 6, tầng 1 chung cư N11B như ngồi trên đống lửa vì nhận được thông báo yêu cầu phải thu dọn toàn bộ tài sản, hàng hóa chuyển đi nơi khác để bàn giao lại nhà cho Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) tổ chức đấu giá cho thuê lại.

Nguy cơ mất quyền lợi vì thuê nhà… nhầm chủ ảnh 1Các hộ kinh doanh tại tầng 1 chung cư N11B có nguy cơ thiệt hại nặng vì bị đòi lại ki-ốt cho thuê

Gia đình chị Lan thuê ki-ốt này để kinh doanh siêu thị mini được 2 năm nay. Toàn bộ vốn liếng được 2 vợ chồng gom góp đầu tư vào hạ tầng, mua sắm hàng hóa và chưa thu hồi được vốn. Vì thế thông báo này đến với chị như sét đánh ngang tai.

Kể lại tình huống của mình, chị Lan nói: “Chúng tôi tuy chỉ là kinh doanh nhỏ, nhưng toàn bộ vốn liếng vay mượn đều đã dốc cả vào siêu thị này. Bây giờ, bỗng chốc xí nghiệp quản lý yêu cầu chúng tôi phải bàn giao lại nhà thì đúng là đẩy người dân vào thế khó. Khi đi thuê và được hứa hẹn là sẽ cho thuê lâu dài, chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hàng hóa. Nếu bây giờ bị đòi lại nhà, quả thực tôi cũng không biết mang số hàng hóa trị giá hơn 500 triệu đồng này đi đâu cả. Sớm hay muộn thì cả nhà tôi sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ mất”.

Chị Lan là một hộ dân của khu tái định cư 5,03ha mới chuyển về đây do bị thu hồi nhà phục vụ dự án mở đường Liễu Giai. Để sinh kế tại nơi ở mới, chị quyết định đi thuê ki-ốt tầng 1 của tòa nhà tái định cư làm nơi bán hàng. Theo quy định, những người dân đã bàn giao nhà cho Nhà nước và phải chuyển đến các khu tái định cư sẽ được ưu tiên khi thuê các ki-ốt này.

Thế nhưng, oái oăm ở chỗ, toàn bộ diện tích 280m2 mặt bằng tầng 1 của chung cư N11B đã được Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Xí nghiệp quản lý dịch vụ) cho 1 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Đệ nhất Phong Vân (Công ty Phong Vân) thuê sạch. Vì vậy, chị Lan buộc phải thuê lại 1 ki-ốt của công ty này với giá 5,5 triệu đồng/tháng.

Ác một nỗi, sau khi ở giữa thu tiền thuê ki-ốt của người dân, Công ty Phong Vân lặn mất tăm để lại khoản nợ hơn 2 tỷ đồng không trả cho Xí nghiệp quản lý dịch vụ. Sau khi đòi nhiều lần không được, Xí nghiệp quản lý dịch vụ đã trình thành phố sự việc và có văn bản yêu cầu các hộ kinh doanh phải di dời để thu hồi lại mặt bằng.

Cùng chung hoàn cảnh buộc phải trả nhà, chị Trần Thị Trang, chủ ki-ốt số 8 cay đắng nói: “Chúng tôi cũng muốn thuê trực tiếp của Xí nghiệp quản lý dịch vụ để được hưởng ưu đãi, nhưng thời điểm đó Công ty Phong Vân đang quản lý nên người dân mới phải thuê lại của họ. Gia đình tôi đầu tư máy móc vào đây hết hơn 600 triệu đồng, bây giờ đuổi các hộ kinh doanh đi thì chúng tôi biết mang máy móc, hàng hóa đi đâu?

Hiện nay, xí nghiệp yêu cầu thu hồi thì chúng tôi cũng đồng ý. Nhưng tất cả bà con đều có nguyện vọng là cho phép chúng tôi để lại hàng hóa tài sản và tạm sử dụng. Chờ khi nào xí nghiệp tổ chức đấu giá, chăc chắn chúng tôi sẽ tham gia vì đằng nào mọi người cũng đã đầu tư vốn liếng, sửa chữa, máy móc vào đây rồi. Khi đó nếu không trúng thì chúng tôi cam kết tự nguyện di chuyển toàn bộ”.

Cần sự linh động

Ngay sau khi nhận được thông báo yêu cầu di dời, các hộ dân đang kinh doanh tại tầng 1 chung cư N11B đã có nhiều cuộc họp với Xí nghiệp quản lý dịch vụ đề nghị đơn vị này có văn bản trình Sở Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội có biện pháp hỗ trợ người dân, nhưng chưa có kết quả.

Ông Lê Hồng Lĩnh - quyền Giám đốc Xí nghiệp quản lý dịch vụ cho biết: “Việc bà con thuê ki-ốt từ Công ty Phong Vân là không hợp pháp và hiện nay cũng không ai có thể liên lạc được với lãnh đạo doanh nghiệp này. Là đơn vị quản lý, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của cấp trên là yêu cầu Công ty Phong Vân cũng như các hộ kinh doanh phải thu dọn để trả mặt bằng, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế. Sau khi xí nghiệp thu hồi xong và tổ chức đấu giá cho thuê, bà con có thể làm hồ sơ để tham gia. Nếu trúng đấu giá thì sẽ tiếp tục quay về kinh doanh như cũ”.

Tuy nhiên, ông Đặng Trần Dũng - Phó Ban quản trị khu chung cư nói: “Việc xí nghiệp đòi lại mặt bằng, bà con đã kêu rất nhiều tới Ban quản trị. Công ty Phong Vân thuê ki-ốt của Xí nghiệp quản ký dịch vụ, sau đó cho người dân thuê lại nhưng không trả tiền cho đơn vị quản lý là 1 phần nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này.

Tuy nhiên, gốc gác của vấn đề nằm ở chỗ, Xí nghiệp quản lý dịch vụ cho Công ty Phong Vân thuê từ năm 2014 là trái với quy định vì chưa có sự đồng ý của UBND thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội. Thế nhưng, suốt chừng ấy năm, Xí nghiệp cũng không hề có biện pháp để thu hồi tài sản này của nhà nước mà cứ bỏ mặc như vậy.

Tôi là một trong những người chuyển về đây sớm nhất nên biết rõ, trong một thời gian dài các ki-ốt này bị Công ty Phong Vân đóng cửa bỏ không rất lãng phí. Chính vì vậy mà người dân mới phải tìm đến Công ty Phong Vân để thuê lại và họ cũng không hề biết việc Xí nghiệp quản lý cho Công ty Phong vân thuê là trái thẩm quyền.

Thậm chí ngay cả khi thấy người dân vào thuê và đầu tư sửa sang ki-ốt, Xí nghiệp quản lý dịch vụ cũng không hề có ý kiến gì cho dù trụ sở của họ chỉ cách đó chưa tới 200m. Có thể nói việc buông lỏng quản lý của đơn vị này một thời gian dài chính là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy như hiện nay. Và bằng cách gửi thông báo thu hồi ki-ốt là xí nghiệp đang đẩy cái khó về phía người dân.

Tôi nghĩ rằng, nếu thực sự có trách nhiệm, Xí nghiệp quản lý dịch vụ nên báo cáo với thành phố thực trạng câu chuyện để có biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các hộ kinh doanh. Như vậy vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân, vừa phát huy giá trị tài sản của nhà nước”.

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này