Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn rất khổ, cần định hướng trình độ cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Ra nước ngoài, tôi thấy dân mình lao động rất khổ, như ở Trung Đông chẳng hạn…” – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 13-7

Sáng 13-7, tại phiên họp thứ 46, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Thảo luận tại đây, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hiện chủ yếu là công việc giản đơn. Do đó, luật cần có chính sách định hướng đến trình độ cao hơn.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dự thảo cần toát lên được kỳ vọng tạo ra được thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có kỹ năng.

“Ra nước ngoài, tôi thấy dân mình lao động rất khổ, như ở Trung Đông chẳng hạn, nắng như thế mà phải lao động ngoài đường rất cực, hay ở Malaysia, phải trèo lên hái dừa rất khổ” - ông Phúc nêu thực tế.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tư duy mang tính chất chiến lược, rằng khi đất nước phát triển thì lực lượng lao động cũng phải nâng tầm, không phải như cách đây 10 đến 15 năm, thiếu việc làm, bôn ba đi tìm việc.

“Do vậy, cần có chính sách mạnh và đúng để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn” – ông Giàu đề nghị.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp

Một nội dung khác liên quan đến dự thảo Luật này được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về việc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Qua thảo luận, đa số Thường trực Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại Điều 38 của Luật Việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước – ngoài nước.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các địa phương đều giao Trung tâm dịch vụ việc làm giúp UBND thực hiện quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động. Kinh phí hoạt động của Trung tâm do UBND cấp và trung tâm này không thu kinh phí, không thu tiền môi giới của người lao động.

“Nếu giao cho doanh nghiệp, họ lại thu tiền của người lao động. Vì thế, nhiệm vụ này giao cho các Trung tâm là mang tính đặt hàng, giao thêm việc nhưng không làm phát sinh bộ máy mới” -  ông Dung giải thích.

Tin cùng chuyên mục