Ngày làm việc đầu năm mới: Văn phòng vẫn vắng hoe

ANTĐ - Công sở cũng như các cơ sở dịch vụ nói chung vẫn vắng vẻ trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn. Một phần do không khí làm việc còn uể oải, chưa thể bắt nhịp ngay sau kỳ nghỉ lễ quá dài, phần khác do người dân chưa có nhu cầu đi làm các thủ tục hành chính trong những ngày đầu năm mới.

Vắng khách

Người dân chưa đi làm thủ tục hành chính đầu năm nên công sở vắng hoe

8h sáng 30-1, buổi làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Thìn, bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính của quận Hai Bà Trưng (bộ phận “một cửa”) đã sẵn sàng đón nhận những người khách đầu tiên. Bàn ghế  chỉnh tề, 3 nhân viên ngồi ngay ngắn sau quầy kính nhưng chờ mãi không có người dân nào tới để phục vụ. 9h30, tại bộ phận “một cửa” của Sở Xây dựng Hà Nội, không khí làm việc cũng tương tự. Xe máy để kín sân nhưng đều là xe của nhân viên Sở. Trong phòng chỉ có một nhân viên trực. Bàn làm việc vẫn còn vương không khí tết với bánh kẹo. Quá vắng vẻ, ai đó còn bật nhạc để tạo không khí.

Tới 16h chiều 30-1, ông Hoàng Trọng, Chánh Văn phòng UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, chỉ có duy nhất một công dân tới hỏi về thủ tục cấp phép xây dựng. Ông Hoàng Trọng nói: “Thông lệ mọi năm đều như vậy. Người dân rất hiếm khi làm các thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà đất hay xây dựng trong những ngày đầu năm, bởi ai cũng muốn hoàn thiện công trình của mình trước tết. Thành thử, có năm, phải tới tháng 3, lượng hồ sơ nhà đất mới tấp nập trở lại. Dẫu vậy, quận vẫn nghiêm túc bố trí đủ cán bộ để phục vụ người dân tốt nhất ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm”.

Công sở còn vắng huống hồ văn phòng của các doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp. Tất cả đều mở cửa đúng quy định vào sáng 30-1 nhưng chỉ sau lời chúc tết đầu năm của “sếp”, đám nhân viên đã túm năm tụm ba “chuồn” về nhà ai đó để đánh bài, đi lễ chùa hay nhậu nhẹt, hát hò vui xuân. Trong những giờ làm việc đầu tiên của năm mới, với dân văn phòng, có lẽ, chỉ có hệ thống các chi nhánh giao dịch ngân hàng là làm việc thực sự. Tuy nhiên, theo một nhân viên Chi nhánh giao dịch Ngân hàng

Vietcombank trên phố Hai Bà Trưng, trong sáng 30-1, lượng người tới giao dịch khá thưa thớt. Điều đáng nói là trong khi “cánh” văn phòng “chơi dài”, nhiều ngành nghề khác như giáo viên, bác sỹ, y tá hay nhân viên bến tàu, xe, công nhân vệ sinh môi trường đã phải vào cuộc cật lực ngay từ những giờ làm việc đầu tiên, thậm chí là làm việc thông tết.

Ăn tết dài dài

Trong khi khối dịch vụ bắt đầu lục tục hoạt động trở lại, nhóm ngành xây dựng, bất động sản lại bình chân như vại. Anh Nguyễn Minh Dũng, người Hà Nội, nhà thầu xây dựng một công trình ở tỉnh Bạc Liêu đủng đỉnh: “Mình chơi ở Hà Nội tới ngoài rằm tháng Giêng rồi mới tính tiếp. Giờ vào sớm, việc chưa có, công nhân chưa lên đủ, tiền trong tài khoản cũng không có nốt thì vào làm gì. Năm nay, nhiều công trình xây dựng bị rơi vào diện không được rót vốn nên sẽ khó khăn lắm, muốn vội cũng không được, phải nghe ngóng đã...”. Không riêng gì anh Dũng, nhiều nhà thầu khác cũng lo ngại về việc năm nay đầu tư công tiếp tục cắt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới công ăn việc làm của ngành xây dựng, nói theo kiểu của các nhà thầu là còn “ăn tết dài dài”. Lường trước được tình cảnh này, từ trước tết, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã cảnh báo, năm 2012 ẩn chứa những “thách thức chưa từng có tiền lệ với doanh nghiệp ngành xây dựng”.

Kinh tế khó khăn cộng thêm kỳ nghỉ tết quá dài ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động của các hàng, quán sau tết. Khác với mọi năm, Tết Nhâm Thìn, tới tận mùng 7 Tết vẫn khó kiếm được nhà hàng mở cửa. Thành ra, những điểm đã mở hàng đều đông đặc thực khách. Mở hàng “lấy ngày” vào sáng qua, 30-1, anh Công, chủ nhà hàng Công Trường (Trung Yên, Cầu Giấy) cho biết: “Cũng chỉ mở đón khách quen là chính chứ sau tết cũng không nhiều người ăn nhậu. Với lại, nhân viên về quê còn chưa lên, không đủ người phục vụ...”.