Ngăn chặn, xử lý "tham nhũng vặt" để củng cố niềm tin của nhân dân

ANTD.VN - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ở nhiều cấp, ngành vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng "kẽ hở" của chính sách, pháp luật gây phiền hà hoặc kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Sáng 27/6, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

"Tham nhũng vặt" cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, thời gian qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng.

Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến rõ rệt và chuyển biến tích cực. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Điều đó đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, tình trạng "tham nhũng vặt" biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Cho nên, tình trạng đó phải sớm chấm dứt.

Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh PCTN, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm qua, các chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương được thành phố thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020". Hằng năm, UBND thành phố đều xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, kế hoạch công tác thanh tra để chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Với những chỉ đạo quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu.

Nêu giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội luôn xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, UBND thành phố và cấp trên trực tiếp về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình; trực tiếp tiếp công dân, tiếp thu đầy đủ và xử lý, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội xác định làm tốt công tác cải cách hành chính và công khai minh bạch sẽ giúp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Vì vậy, Thành ủy đã ban hành Chương trình 08-CTr/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020"...

Tin cùng chuyên mục