Nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân cho chính Cảnh sát giao thông

ANTD.VN - Là một trong những lực lượng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với nhân dân nhiều nhất, CSGT không chỉ có nghiệp vụ, trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực phụ trách, mà còn phải là người có bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa. Muốn xây dựng văn hóa giao thông cho người dân thì trước tiên những người thi nhiệm vụ như CSGT phải thật sự là “hạt nhân” tiêu biểu, có sức lan tỏa, ảnh hưởng.

Vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn

Tham gia giao thông hàng ngày, có lẽ, nhiều người dân sẽ phần nào cảm nhận được sự thay đổi, chuyển mình hết sức tích cực, hiệu quả từ lực lượng CSGT Thủ đô. Hình ảnh CSGT đứng làm nhiệm vụ ở các ngã tư “ngoảnh mặt” với những thanh thiếu niên ngổ ngáo, chống đối dưới các hình thức khác nhau… đã gần như không còn. Nụ cười thân thiện, ý thức trách nhiệm của CSGT cũng được nâng cao, thường trực khi tiếp xúc với nhân dân.

Chiến sỹ CSGT dắt người già qua đường (ảnh: Phương Thảo)

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm, Đại tá Nguyễn  Văn Viện, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã nhấn mạnh lời nhận xét, cũng là mong muốn của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an: “CSGT Thủ đô phải là tiêu biểu cho Công an cả nước”.

Đây vừa là niềm vinh dự tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức lớn lao mà từng vị trí chỉ huy, CBCS phải nhận thức, thực hiện có hiệu quả. Còn đối với ban chỉ huy Phòng CSGT, đó còn là danh dự mà bản thân từng chỉ huy, mỗi CBCS phải nhận thức rõ để tự đặt ra cho mình những quy chuẩn khắt khe, từ đó thực hiện hiệu quả nhất yêu cầu nhiệm vụ mà lãnh đạo  Bộ, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cũng như nhân dân Thủ đô, cả nước giao phó.

Thượng tá Dương Đức Hải - Trưởng Phòng CSGT cho biết: Không phải ngẫu nhiên khi các đồng chí lãnh đạo luôn nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của lực lượng CSGT Thủ đô. Vinh quang đấy nhưng trong môi trường làm việc đó, nếu người chỉ huy, CBCS không nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tự nghiêm khắc với bản thân thì sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm những quy định của nghành, của đơn vị, thậm chí vi phạm pháp luật.

Băn khoăn và lo lắng của chỉ huy phòng CSGT hoàn toàn có cơ sở, khi nhìn nhận môi trường làm nhiệm vụ của CSGT có quá nhiều những cám dỗ mà nếu CBCS nào không đủ bản lĩnh thì rất dễ “dính” vi phạm. Trên thực tế, khi bị CSGT xử phạt lỗi, không ít người thay vì chấp hành quy định lại có hành vi xin xỏ, hối lộ lực lượng thực thi nhiệm vụ để thoát khỏi hình thức xử lý. Và cũng thay vì phải xử lý nghiêm, răn đe đối với lái xe, người vi phạm, nếu không được quản lý chặt, giáo dục tốt, ý thức cao thì CBCS làm nhiệm vụ cũng rất dễ trở thành người vi phạm, tiếp tay cho hành vi của đối tượng, gây nguy hiểm cho xã hội, người tham gia giao thông. Nếu xảy ra những hoạt động vi phạm trên, rõ ràng không những văn hóa giao thông không được xây dựng, nâng cao mà còn kéo lùi cả ý thức trách nhiệm của lái xe vi phạm, người thực thi nhiệm vụ.

CSGT phải thật sự vì nhân dân phục vụ

“Trong mọi yêu cầu nhiệm vụ, yếu tố con người luôn là quan trọng, hàng đầu”- Thượng tá Dương Đức Hải nhìn nhận. Với bối cảnh tình hình giao thông có những diễn biến phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được so với yêu cầu của người, phương tiện, sự phát triển chung của xã hội, thì lực lượng CSGT vẫn tập trung dùng sức người là chính khi đảm bảo TTATGT. Nếu như ý thức trách nhiệm của người thực thi nhiệm vụ không cao, thì không mong gì tình hình giao thông được đảm bảo chứ chưa nói gì đến sự chuyển biến tích cực.

Kịp thời giải tỏa phế thải rơi vãi trên đường (ảnh Đình Đình)

Đánh giá toàn diện những nguy cơ, khó khăn, vướng mắc, cả thách thức đang đặt ra phía trước đối với lực lượng CSGT Thủ đô, Ban chỉ huy Phòng CSGT trong thời gian qua đã tập trung đẩy mạnh toàn diện nhiệm vụ xây dựng lực lượng. Đây được xem như là “chìa khóa” để giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc các yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong nhiều cuộc họp đơn vị, chỉ huy Phòng CSGT luôn bày tỏ thái độ dứt khoát: “Không chấp nhận bất cứ một CSGT nào có thái độ, vi phạm những chuẩn mực văn hóa, điều lệnh, quy định của nghành”. CSGT phải xác định, làm nhiệm vụ luôn với tinh thần phục vụ, và phải vinh dự, tự hào khi hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ đó.

Muốn phục vụ tốt nhân dân, không gì hơn CSGT phải là những người có kiến thức, trình độ nghiệp vụ cao. Ngay từ đầu năm 2019, Phòng CSGT đã tổ chức nhiều hội nghị xây dựng, tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng xử văn hóa cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Những hạn chế, yếu kém, thậm chí là vi phạm của một số CBCS được Ban chỉ huy Phòng CSGT thẳng thắn nhìn nhận, giải quyết ngay để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thực chất, toàn diện trong công tác đảm bảo ATGT Thủ đô. Không chỉ trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, kỹ năng ứng xử với người dân trong đó có người nước ngoài cũng được lực lượng CSGT Thủ đô đặc biệt quan tâm. Hiện tại, phòng CSGT đang triển khai các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho CBCS, nhất là những bộ phận tiếp dân, phân luồng, hay có liên quan đến người nước ngoài.

Hành động kịp thời tạo hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an

“CSGT phải là những người chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”- đại diện Phòng CSGT khẳng định. Tinh thần và quyết tâm ấy của Ban chỉ huy đơn vị được cụ thể hóa vào trong những chương trình công tác, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với CBCS vi phạm. Tỷ lệ CBCS sai phạm các quy định, điều lệnh công tác liên tục giảm sâu qua từng năm, đặc biệt là 10 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ thời gian liền kề trước đó.

Phòng CSGT cũng đang đề xuất CATP có báo cáo UBND TP trang bị thiết bị ựng dụng công nghệ thông tin như camera xử phạt, giám sát hành trình, Smartphone cài đặt dữ liệu xe vi phạm, dữ liệu đăng ký xe, tra cứu xe tang vật, trộm cắp để phòng ngừa tội phạm cũng như nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT. Trong tương lai, Trung tâm điều khiển giao thông sẽ được nâng cấp hiện đại, ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới, từ đó dần chuyển hóa từ sức người đảm bảo ATGT bằng các thiết bị, phương tiện dưới dạng công nghệ số…