Nâng cao chất lượng, hiệu quả Công an xã, xây thế trận an ninh nông thôn (3)

ANTD.VN - Hoàng Long, Minh Châu chỉ là hai trong số hàng chục xã thuộc các huyện trên địa bàn thành phố được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội tăng cường Công an chính quy về làm Trưởng Công an xã. Không chỉ có hai xã trên, diện mạo, tình hình an ninh trật tự (ANTT), kinh tế - xã hội nơi có lực lượng Công an chính quy làm Trưởng Công an xã đã có những chuyển biến rõ rệt. 

Công an xã là lực lượng quan trọng đảm nhận công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở

Không khó để nhận thấy sự chuyển mình ở các vùng quê - nơi được chọn thí điểm Công an chính quy về làm Trưởng Công an xã. Đi tới đâu, điều mà nhóm phóng viên Báo ANTĐ cảm nhận được là sự tin tưởng của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Sự ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí Trưởng Công an xã phát huy tối đa sức mạnh. Mặc dù vậy, những khó khăn từ thực tế vẫn chưa hết. Nhiều nơi cần thiết phải có một cơ chế mở, cùng với sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc thực hiện các chính sách, đường lối của Đảng bộ cơ sở.

Nhìn rõ tồn tại

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trọng tâm của cả nước, sau khi mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8-2008, dân số và diện tích của Thủ đô Hà Nội tăng lên gấp nhiều lần. Cho đến nay, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện với 584 đơn vị hành chính cấp xã. Đánh giá của Đảng ủy CATP Hà Nội cho thấy, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, bộ mặt các vùng nông thôn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hà Nội có 386 xã, 5 thị trấn bố trí lực lượng Công an xã, trong đó có 68 xã loại 1, 229 xã loại 2 và 94 xã loại 3. Có 271 xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Ngoài ra, có tới hơn 80 xã nằm trong diện CATP Hà Nội báo cáo UBND TP đề nghị Bộ Công an xem xét, ra quyết định bổ sung là nơi trọng điểm phức tạp về ANTT. 

Đây là môi trường cho sự phát triển ổn định toàn diện không chỉ của Hà Nội mà còn là cả nước. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, phù hợp với quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển rõ ràng đó, còn kéo theo những phức tạp ở các vùng nông thôn. Ở một số địa phương, tình hình mâu thuẫn phức tạp trong nội bộ nhân dân liên quan đến an ninh nông thôn gia tăng. Nếu không giải quyết nhanh, kịp thời, hiệu quả sẽ dễ trở thành “điểm nóng” về an ninh nông thôn.

Thực tế, ở các vùng nông thôn hiện nay cuộc sống đã khá sôi động, với đầy đủ tính chất phức tạp của xã hội thời mở cửa, kinh tế thị trường. Tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Nhiều dự án, công trình trọng điểm về giao thông, đô thị, khu công nghiệp đã và đang được triển khai, sự phân hóa giàu, nghèo trong các tầng lớp nhân dân. Một số cán bộ cơ sở xa rời nhân dân, tiêu cực, tham nhũng. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội phức tạp, có chiều hướng gia tăng... 

“Chìa khóa” giữ gìn ANTT trên địa bàn trong tình hình mới

Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đánh giá: Sự phức tạp của tình hình ANTT tại các huyện ngoại thành có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thuộc về những hạn chế, yếu kém vốn có của đội ngũ nhân lực làm công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở. Lực lượng Công an xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống chính trị và chính quyền cơ sở; là lực lượng quan trọng đảm nhận công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở. 

Hà Nội hiện có 342/391 Trưởng Công an xã (cần bổ sung 49 đồng chí, trong đó đang kiêm nhiệm 29 đồng chí, thiếu 30 đồng chí ở xã trọng điểm phức tạp về ANTT). Đối với Phó trưởng Công an xã hiện có 688/735 đồng chí, cần bổ sung 47 đồng chí, trong đó thiếu 31 đồng chí ở xã trọng điểm phức tạp về ANTT... 

Bám sát yêu cầu công tác, chiến đấu, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và ngành Công an luôn quan tâm, chỉ đạo ban hành đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Pháp lệnh Công an xã, Nghị định số 73, Thông tư 12 của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã có Nghị quyết tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiều biện pháp nhằm củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy Công an xã, tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả thiết thực. 

Đội ngũ Công an xã ngày càng được trẻ hóa và được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ cơ bản, có kiến thức, trình độ chuyên môn và năng lực công tác. Đề án số 16 (ngày 22-7-2013) của Giám đốc CATP Hà Nội về “Tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã trên địa bàn Hà Nội” chính là “chìa khóa” giúp nâng tầm lực lượng Công an xã dần chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giữ gìn ANTT trên địa bàn trong tình hình mới.

Cùng với việc đẩy mạnh trẻ hóa đội ngũ Công an xã, đào tạo nâng cao trình độ, trang bị công cụ hỗ trợ, cơ sở làm việc, các đồng chí Công an xã không đủ điều kiện đã dần được cho nghỉ theo chế độ. Đề án số 16 của CATP Hà Nội đã nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Công an xã. Đáng chú ý, CATP đã thành lập 39 Đồn công an phụ trách các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu chế xuất. Các Đồn công an đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Nâng tầm Pháp lệnh Công an xã

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định: “Tiếp tục thực hiện  Pháp lệnh Công an xã và Luật Công an nhân dân, CATP Hà Nội tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm để “Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội” giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung biên chế cho lực lượng Công an xã; Bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhận các chức danh Trưởng Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về ANTT; Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của CATP đối với Công an xã; Đẩy mạnh phong trào “Thi đua vì An ninh Tổ quốc” trong lực lượng  Công an xã”.

Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP cũng đã báo cáo các cấp lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP và Bộ Công an đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Công an xã.

Căn cứ Chỉ thị 09 (ngày 1-12-2011) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; các quy định của Pháp luật về Công an xã và Quyết định số 800/TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 4-6-2010) phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho lực lượng Công an xã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã đề xuất Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách cho lực lượng Công an xã. 

Bên cạnh đó, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội cũng đề nghị UBND TP và các cấp liên quan bổ sung biên chế cho lực lượng Công an xã theo hướng chuẩn hóa trình độ của Trưởng Công an xã. Lựa chọn, bổ sung đội ngũ Công an xã đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, thực sự gương mẫu, tiêu biểu về mọi mặt; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho lực lượng Công an xã; huấn luyện võ thuật, điều lệnh Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT trên địa bàn.