Năm học mới từ những ước mơ và khát vọng

ANTD.VN - Năm học mới 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên. Một trong những giải pháp được đưa ra để đẩy mạnh hoạt động này là xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tạo nền tảng đạo đức, nhân cách cho các em. 

Năm học mới từ những ước mơ và khát vọng ảnh 1Học sinh trường THPT Yên Hòa, Hà Nội trong buổi học đặc biệt về giá trị của ước mơ và khát vọng

Thực hiện yêu cầu này, ngay sau khai giảng 2 ngày, gần 2.000 học sinh THPT Yên Hòa đã được khởi động bằng một chương trình ngoại khóa thiết thực. Đáng nói là chương trình được thiết kế, hỗ trợ từ phụ huynh học sinh cùng lên kế hoạch và triển khai thực hiện với chủ đề “Sống ước mơ và khát vọng”. 

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết chương trình nhằm giúp học sinh hiểu được giá trị của ước mơ và sức mạnh của ước mơ. “Học sinh không chỉ biết tập trung học tập và học một cách thụ động. Các em cần được khơi dậy những khát vọng để luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại thực hiện ước mơ của mình. Hơn nữa, các em cần thấu hiểu những giá trị tình yêu thương của thầy cô, bạn bè, gia đình trọng việc phát triển bản thân, sự nghiệp”- bà Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ. 

Buổi học đặc biệt của học sinh trường THPT Yên Hòa đến từ diễn giả Đào Ngọc Cường - người thầy trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng sống và truyền thụ những giá trị đạo đức cho học sinh cả nước. Chia sẻ tại cuộc nói chuyện, ông Cường cho biết, xuất phát từ câu chuyện đời thật của bản thân, ông mong muốn chia sẻ cho thật nhiều học sinh trong cả nước để các em thấu hiểu được sự hy sinh của cha mẹ để các em có khát vọng mạnh mẽ nỗ lực vươn lên trong học tập, vượt qua mọi khó khăn, tránh xa các tệ nạn xã hội, biến ước mơ thành hiện thực. 

“Tôi chia sẻ từ những gì tôi trải qua và đúc kết, những câu chuyện thực tế của bản thân tôi. Tôi đã từng tự lập từ bé do mẹ bị tâm thần và bố thương binh. Gia đình tôi rất nghèo nên tôi đã trải qua những năm tháng cơ cực. Chính vì sự quyết tâm cao của tôi đã vượt qua khó khăn và vươn lên như bây giờ. Giờ đây tôi muốn truyền thêm động lực cho các em học sinh, những thế hệ trẻ tương lai của đất nước”.

Bài học từ thực tế luôn có sức truyền cảm trực tiếp nhất tới tâm hồn học sinh thay vì chỉ học thụ động qua sách giáo khoa. Điều này đang được một số trường tận dụng trong việc đổi mới giáo dục đạo đức, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, ngành giáo dục hiện có nhiều văn bản chỉ đạo về giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng. 

“Giáo dục lối sống không thể làm ngay kết quả, nó cần có quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Quan niệm chỉ học đạo đức, lối sống khi chương trình sẵn sàng, chờ đồng bộ… là quan niệm sai lầm bởi mỗi một lứa học sinh là mất đi một thế hệ con người Việt Nam bị khuyết thiếu về đạo đức lối sống. Dạy đạo đức lối sống cần có quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng”- bà Nhiếp chia sẻ.