Mỹ - Triều Tiên: Bước tiến quan trọng trên con đường đối thoại hòa bình

ANTD.VN - Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chưa đạt được thỏa thuận, song Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội cho thấy thêm một bước tiến trên con đường đối thoại, hòa giải và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - Triều Tiên: Bước tiến quan trọng trên con đường đối thoại hòa bình ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã hiểu biết nhau hơn cũng như tiến thêm một bước cải thiện quan hệ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội 

Những bước đi đầu tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc 2 ngày đàm phán với những hình thức thương thảo khác nhau trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào các ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên rời bàn đàm phán mà chưa đạt được thỏa thuận từng được không chỉ hai nước mà cả thế giới trông đợi nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, cải thiện mối quan hệ còn trong tình trạng chiến tranh giữa hai nước.

Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, các Đặc phái viên hai nước đã tới đây để thương lượng và đạt được sự đồng thuận về những điểm được cho là quan trọng.

Theo đó, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và Đặc phái viên Triều Tiên Kim Hyok-chol đã đạt được đồng thuận về 3 điểm quan trọng để dự kiến đưa vào “Tuyên bố Hà Nội” tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. 3 điểm này là tái khẳng định định nghĩa về phi hạt nhân hóa, các biện pháp phi hạt nhân hóa giai đoạn đầu của Triều Tiên và các biện pháp tương ứng của Mỹ, cũng như thương thảo về những công việc sẽ tiến hành trong thời gian tới.

Cụ thể hơn, theo các nguồn tin, đầu tiên hai bên tái khẳng định ý chí phi hạt nhân hóa đã được xác nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất ở Singapore vào tháng 6-2018; thứ hai, Triều Tiên ngay lập tức triển khai các biện pháp giải trừ hạt nhân, trong khi phía Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng. Điểm cuối cùng là tới đây, hai bên sẽ phải hình thành cơ chế tham vấn làm việc, phối hợp chương trình cụ thể để sớm thực thi các biện pháp mà hai bên xác nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội.

Trở ngại chính khiến hai nhà lãnh Mỹ và Triều Tiên chưa đạt được thỏa thuận tại Hà Nội, theo Tổng thống Donald Trump, là do hai bên còn bất đồng về lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon nhưng muốn mọi biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ trước, song Tổng thống Donald Trump lại không chấp nhận điều kiện đó. Ngoài ra, theo Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo, ngay cả khi Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở Yongbyon, vẫn còn những cơ sở khác và những vũ khí khác vẫn có thể được tàng trữ ở đó.

Sự bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên không làm những ai am hiểu tình hình Bán đảo Triều Tiên và quan hệ Mỹ - Triều Tiên bất ngờ bởi khu vực này cũng từng chìm trong tình trạng chiến tranh, đối đầu căng thẳng hơn 70 năm qua. Để có thể hòa giải, bắt tay hợp tác suốt hơn 7 thập kỷ đối đầu và xung đột quá dài ấy thì thời gian chưa đầy 1 năm từ khi cam kết phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018 đến nay rõ ràng còn khá ngắn ngủi.

Quá trình thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa tháng 6-2018 đến nay cho thấy sự hoài nghi vẫn bao trùm lên mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên nên bên nào cũng muốn đặt điều kiện tiên quyết với phía bên kia. Trong đó, Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận trước khi bắt tay vào thực hiện phi hạt nhân hóa, còn phía Mỹ lại muốn ngược lại.

Tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên rõ ràng mới chỉ đang đi những bước đầu tiên và còn phải vượt qua nhiều trở ngại lớn từ cả hai phía Mỹ và Triều Tiên. Để đi tới đích cuối cùng vạch ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên và tiếp nối tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội đòi hỏi những nỗ lực và nhất là lòng tin từ cả Washington và Bình Nhưỡng.

Kết quả đáng ghi nhận, lạc quan về tương lai đàm phán 

Tuy chưa đạt được thỏa thuận, song vẫn thấy những tín hiệu tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên tại Hà Nội. Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo ngay sau kết thúc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un cũng bày tỏ lạc quan về tương lai đàm phán với Triều Tiên. Cho biết hai bên chưa thống nhất về việc sẽ tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, nhưng Tổng thống Donald Trump lạc quan cho rằng điều đó có thể “sẽ sớm thôi” và “không mất nhiều thời gian đâu”.

Tín hiệu tích cực nữa cũng được thấy khi Tổng thống Donald Trump khẳng định, ông sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và nêu rõ ông vẫn tin nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Tôi tin ông ấy (Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un) và tôi tin lời ông ấy nói” - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trong cuộc họp báo trước khi rời Hà Nội về nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này và Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ thực sự trong vòng 24-36 giờ qua trong đàm phán ở Hà Nội dù “chưa đến đích được”. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ tỏ ra lạc quan khi cho biết các nhóm đàm phán hai nước sẽ tiếp tục trong vài tuần tới.

Rõ ràng, tiến trình phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên cũng như tiến trình đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Hai bên đã tiến thêm một bước trên con đường đối thoại còn nhiều khó khăn, nói như Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tầm nhìn về phi hạt nhân hóa và dù “không giống hệt chúng tôi nhưng cũng đỡ khác biệt hơn so với 1 năm trước”.

Hy vọng bước tiến, sự hiểu biết và tin cậy hơn từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội sẽ góp phần tích cực và hiệu quả thúc đẩy những nỗ lực phi hạt nhân hóa, đối thoại và hòa giải để tiến tới hòa bình, an ninh và hợp tác, phát triển trên Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực và thế giới.

Một Hà Nội - Việt Nam thân thiện, chu đáo, trách nhiệm và mến khách

Việt Nam và Thủ đô Hà Nội những ngày này đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và người dân trên thế giới khi đứng ra tổ chức một sự kiện quốc tế lớn, thu hút sự quan tâm sâu sắc. Cùng với nội dung của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, những thành tựu kinh tế - xã hội, đối ngoại…, cùng sự thân thiện, nồng ấm, mến khách, chu đáo, trách nhiệm của nước chủ nhà Việt Nam đã được 3.000 nhà báo quốc tế phản ánh, truyền tải trên tất cả các loại hình truyền thông thế giới.

Trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ ông cảm thấy “như được trở về nhà”. Trong các cuộc hội đàm và hội kiến với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao và ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. 

Tổng thống Donald Trump tỏ ra rất ấn tượng khi chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng Việt Nam đã chuẩn bị mọi mặt rất chu đáo, hoàn thiện. Đáng kể là xây dựng được lịch trình thuận lợi cho cả hai bên Mỹ và Triều Tiên cùng hai nhà lãnh đạo hai quốc gia này mà cả hai bên đều cảm thấy hài lòng vì lịch trình hợp lý. 

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau thời gian ngắn đến Việt Nam cũng đã cảm nhận được sự đón tiếp nồng ấm của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên đã bày tỏ cảm ơn Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên và cảm ơn một không khí chào đón nồng nhiệt đối với ông.

Đến Việt Nam với trái tim Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, các nhà lãnh đạo quốc tế, bạn bè hay phóng viên quốc tế đều có thể chứng kiến và cảm nhận rõ ràng về một nước Việt Nam phát triển hướng tới hòa bình, ổn định và cường thịnh, là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế là điểm đến của tất cả quốc gia, đối tác vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.