Mưu trí giải cứu nạn nhân thoát khỏi ổ nhóm lưu manh với tốc độ nhanh... kỷ lục

ANTD.VN - Từ năm 2011 đến nay liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND, năm nào cũng được nhận bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cho đến UBND thành phố, ở Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội, Trung tá Lý Hoài Nam, Đội phó Đội đặc nhiệm được coi như một con “Át chủ bài” để xử lý những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với tội phạm, cứ thấy anh là chúng biết đã gặp phải khắc tinh.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước quyết định tặng Trung tá Lý Hoài Nam

Người có duyên phá án

Bây giờ, nếu có ai hỏi suốt chừng ấy năm công tác trong ngành công an, anh đã tham gia phá bao nhiêu vụ án thì chính Trung tá Lý Hoài Nam cũng chẳng thể nhớ nổi. Anh bảo, đơn giản đó là nhiệm vụ, là công việc thường nhật vẫn đều đặn diễn ra hàng ngày. Cũng như các nhà báo làm nhiệm vụ đưa tin, các bác sỹ làm công việc chữa bệnh cứu người, liệu có mấy ai cất công đo đếm số lượng phần việc mà mình được giao phó.

Với anh, bắt giữ, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân là bổn phận, là sứ mệnh anh đã chọn và sẽ theo đuổi cả đời. Vì thế, nếu có nhớ thì nhớ những gì mình chưa hoàn thành trọn vẹn và phải lấy đó làm bài học và cố gắng khắc phục. 

Tuy nhiên, nếu như Trung tá Lý Hoài Nam không thể nhớ hết những chiến công thì người dân vẫn thuộc nằm lòng. Một trong số đó là bà Nguyễn Thị Thu ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Bà Thu không bao giờ quên câu chuyện kinh hoàng xảy ra với gia đình bà từ năm 2014. 

“Bắt giữ, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân là bổn phận, là sứ mệnh tôi đã chọn và sẽ theo đuổi cả đời. Vì thế, nếu có nhớ thì nhớ những gì mình chưa hoàn thành trọn vẹn và phải lấy đó làm bài học và cố gắng khắc phục”. 

Trung tá Lý Hoài Nam, (Đội phó Đội đặc nhiệm, Phòng CSHS - CATP Hà Nội)

Hôm đó là sáng 5-5, trên điện thoại bà Thu hiện lên số máy của con gái, nhưng khi nghe, phía đầu dây bên kia chỉ gằn giọng nói duy nhất một câu: “Con Quỳnh Anh nhà bà đang nợ tiền tôi, bà phải mang 40 triệu đồng sang Hà Nội trả cho nó”. Quá bất ngờ, bà Thu hấp tấp hỏi lại: “Con cô có thế chấp tài sản gì không mà các cháu cho vay nhiều thế”. Giọng nam kia cộc lốc đáp: “Nó thế chấp cái mạng. Nếu bà không trả thì sang mang xác nó về”.

Các đối tượng đe dọa này cũng không quên để lại địa chỉ cho bà Thu mang tiền sang chuộc con là cửa hàng cầm đồ số 14, ngõ 2, phố Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) kèm theo lời cảnh cáo, đúng 18h mà không có tiền thì sẽ đưa Quỳnh Anh đi Hải Phòng để... “xử lý”.

Không xoay đâu ra khoản tiền lớn như thế mà tính mạng con gái nguy cấp đến nơi, bà Thu chỉ còn biết nhờ cậy đến nơi duy nhất là “các chú công an số 7 Thiền Quang”. Câu chuyện của bà ngay lập tức được Ban chỉ huy Phòng CSHS chuyển tới Trung tá Nam và các trinh sát Đội hình sự đặc nhiệm. Nhận tin, Trung tá Lý Hoài Nam chủ trì phối hợp với CAQ Bắc Từ Liêm tiến hành rà soát hiện trường, ghi lời khai nhân chứng, người trình báo và tổ chức điều tra. Nhân thân của toàn bộ ổ nhóm bắt giữ chị Quỳnh Anh đã nhanh chóng được dựng lại. 

Chuyện là trước đó vì cần tiền buôn bán nên chị Quỳnh Anh có vay của Trịnh Tuấn Anh - một là đối tượng chuyên cho vay lãi ở Bắc Ninh - số tiền 20 triệu đồng (lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày). Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên chị Quỳnh Anh chưa trả được. Vì thế Tuấn Anh đã giao cho đệ tử là Đỗ Văn Trường, Nguyễn Quang Huy, Lê Quang Chiến (đều trú tại Quế Võ, Bắc Ninh) gọi điện cho chị Quỳnh Anh đến cửa hàng cầm đồ của hắn ta ở số 14 ngõ 2, phố Lê Văn Hiến để giải quyết. Khi chị Quỳnh Anh đến nơi, các đối tượng này đã bắt giữ, đánh đập chị và dùng điện thoại của nạn nhân gọi cho bà Thu để buộc bà phải trả tiền hộ. 

Bằng sự vào cuộc tích cực suốt đêm hôm đó, đến 1h sáng 6-5-2014, Trung tá Nam và các trinh sát bắt giữ được toàn bộ nhóm đối tượng trên, giải cứu chị Quỳnh Anh an toàn trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ.

Mưu trí, sáng tạo và nhanh… kỷ lục

Ngoài nhiều vụ giải cứu người dân bị các ổ nhóm lưu manh bắt giữ làm con tin để đòi nợ vay nặng lãi, Trung tá Lý Hoài Nam cũng tham gia triệt phá các vụ án phức tạp của những băng nhóm tội phạm nước ngoài. Còn nhớ hồi đầu tháng 10-2015, trên địa bàn Hà Nội nổi lên một nhóm đối tượng chuyên tẩy xóa, làm giả chứng minh nhân dân (CMND), giả danh công an gọi điện cho các bị hại yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chúng kiểm tra vì tài khoản liên quan đến đường dây rửa tiền, mua bán ma túy.

Khi các bị hại chuyển tiền chúng liền rút ngay để chiếm đoạt. Qua theo dõi, anh cũng nắm rõ ổ nhóm này đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Chính vì vậy, Trung tá Nam đề xuất với Ban chỉ huy Phòng CSHS báo cáo Ban giám đốc CATP cho xác lập chuyên án trinh sát để thu thập tài liệu, chứng cứ với quyết tâm nhanh chóng điều tra khám phá bắt giữ các đối tượng. 

Qua điều tra, cơ quan công an nhanh chóng làm rõ, năm 2000, Lê Thị Huyền Trang (SN 1982, HKTT ở 30 ngõ 2, phố Ngọc Lâm quận Long Biên, Hà Nội) đi xuất khẩu lao động và có quen một người đàn ông Đài Loan tên Trấn. Khi về nước, Trang vẫn liên lạc với Trấn và được người này rủ tham gia chương trình “rửa tiền”. Cụ thể Trấn sẽ có nguồn tiền chuyển về các ngân hàng ở Việt Nam và cần Trang đứng ra để rút. Thù lao Trấn sẽ trả là 23% tổng số tiền rút thành công. 

Mặc dù biết đây là việc phi pháp, nhưng vì hám lợi Trang đồng ý và rủ Hồ Ngọc Dương (HKTT tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là nhân viên xử lý nợ Ngân hàng ACB tham gia. Dương rủ tiếp Nguyễn Hồng Hải (HKTT ở 40 ngách 75/36 Vĩnh Phúc, quận Ba Đình). Hải lôi kéo thêm cháu ruột là Hoàng Anh Quang (trú tại 53B Ngõ 8 Cầu Biêu, Tả Thanh Oai, Thanh Trì) cùng tham gia. Tất cả bàn bạc và thống nhất tỷ lệ ăn chia: Lê Thị Huyền Trang và Hồ Ngọc Dương mỗi người được 9%, Nguyễn Hồng Hải được 4% còn Hoàng Anh Quang được 1%. 

Theo sự chỉ dẫn của Trấn, Trang nhận ảnh của Quang rồi giao cho một đối tượng là Nguyễn Đình Việt Anh (ở thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) tìm gặp Lê Đức Anh (trú tại 59 ngõ 1 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) để mua CMND rồi mang về ghép ảnh của Quang vào với mục đích mở tài khoản tại các ngân hàng phục vụ việc nhận tiền.

Tổng cộng, nhóm này làm được 3 CMND giả mang tên Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Xuân Tùng nhưng dán ảnh của Quang. Tiếp đó, Quang đã đến các ngân hàng: TienphongBank, SHB, VP Bank, PG Bank, Xây dựng, Sài Gòn Thương tín để mở các tài khoản mang tên Tuấn, Chung, Tùng rồi chuyển cho Trang thông tin về các tài khoản để Trang chuyển cho đối tượng Trấn. Xong việc, tất cả ngồi đợi thông tin chuyển tiền do Trấn gửi về. 

Từ 9-11-2015, Trấn đã chuyển 4 lần với tổng số tiền là 2,031 tỷ đồng vào các tài khoản giả mạo nói trên để Quang đi rút. Cả nhóm giữ lại phần thù lao là 23% tổng số tiền rút được để chia nhau. Phần còn lại Trang chuyển cho đối tượng Lin Ren Feng (đặt tên Việt là Lạc, quê quán ở thôn Thượng Thương, thị trấn Long Điền, thành phố Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, chỗ ở phòng1628, CT1, The Priden, phường La Khê, quận Hà Đông) theo chỉ đạo của Trấn.

Đến lần rút tiền thứ năm vào ngày 16-11-2015, khi Quang tiếp tục rút số tiền 700 triệu đồng bằng CMND giả tại Ngân hàng Xây Dựng thì Trung tá Lý Hoài Nam và các trinh sát quyết định “cất vó”. Khám xét nơi ở của cả ổ nhóm này, lực lượng chức năng còn thu giữ 43 thẻ ATM mà chúng sử dụng để rút tiền của các bị hại. Qua xác minh, đây là số tiền mà chúng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở TP.HCM bằng thủ đoạn giả danh công an để gọi điện. 

Không chỉ có những vụ việc nổi cộm mà hầu hết những nhiệm vụ được giao, Trung tá Lý Hoài Nam và đồng đội đều điều tra khám phá với tốc độ kỷ lục, được lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao, dư luận nhân dân cảm phục. Điều này cũng góp phần củng cố lòng tin của người dân với lực lượng Công an Thủ đô, răn đe tội phạm cũng như thể hiện sự mưu trí sáng tạo của lực lượng CSHS - CATP Hà Nội.