Muốn có thành phố thông minh, cần những người dân thông minh

ANTD.VN - Không thể xây dựng thành phố thông minh nếu đô thị ấy không có những người dân thông minh. Đó khẳng định của các đại biểu tham dự phiên tọa đàm “thành phố thông minh, góc nhìn của các nhà lãnh đạo”, trong khuôn khổ ASOCIO 2018 - Hà Nội diễn ra hôm nay (18-9).

Người dân thông minh là vấn đề mấu chốt của thành phố thông minh (ảnh: Phú Khánh)

Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thành phố thông minh tại Thụy Điển, ông Pereric Hogber- Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, nước này có dân số chỉ 10 triệu người, bằng 0,13% dân số thế giới. Để có được thành công, quốc gia nhỏ bé này cho rằng, yếu tố quyết định thành công là sự cởi mở, đổi mới và tư duy rộng rãi.

Vậy làm Thụy Điển đã làm thế nào để thành phố Stockhom trở nên thông minh hơn? Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng: “Muốn có thành phố thông minh, nhất thiết phải có người dân thông minh. Vì người dân có thông minh thì mới có ứng dụng thông minh, chính sách thông minh. Mấu chốt là vấn đề con người và Chính phủ phải có trách nhiệm phát triển thông minh, đi kèm với kinh tế thông minh.

Nếu ta có môi trường cho người dân thử nghiệm sáng kiến mới thì chúng ta thành công, làm cho đô thị ta đáng sống hơn”.

Theo Đại sứ Thụy Điển, người dân là trung tâm trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Người dân mà cứ ngồi văn phòng cả ngày sẽ khó kích thích sự sáng tạo.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, thành phố thông minh là thành phố biết tận cụng công nghệ mới, số hóa, đơn giản hóa quy trình để đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, cho du khách và cho môi trường. Vì vậy, đô thị thông minh cũng cần phải là đô thị phát triển bền vững.

Thụy Điển hiện có môi trường khởi nghiệp tuyệt vời cho doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới, chỉ đứng sau thung lũng Sillicon, với hàng loạt các công ty “kỳ lân” (giá trị công ty trên 1 tỷ USD). Hiện nay, nước này có 22.000 công ty công nghệ.

Nhiều công nghệ thông minh được giới thiệu với lãnh đạo TP Hà Nội và đại biểu tham dự ASOCIO 2018- Hà Nội (ảnh: Phú Khánh)

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá, Hà Nội đã là thành phố thông minh nhưng cần có quy hoạch tốt hơn nữa về giao thông, di chuyển thông minh, giảm phát thải nhà kính, sử dụng lưới điện thông minh, phương tiện giao thông sử dụng nhiên năng lượng tái tạo, quản lý rác thải… và phải hỏi người dân xem thực sự họ cần gì?

Vậy làm thế nào để có những người dân thông minh? Ông Pereric gợi ý: “Thụy Điển đã cung cấp dịch vụ băng thông rộng, hỗ trợ các hộ gia đình mua máy tính để công dân tự học tập và thích nghi. Nhờ vậy, Thụy Điển đã có những công dân thành thạo về công nghệ, có nền giáo dục thông minh và không dùng đến tiền mặt”.

Ông Richard Ker- Trưởng nhóm đổi mới sáng tạo và thương mại hóa, Cyberjaya, bang Selangor (Malaysia) chia sẻ, muốn xây dựng thành phố thông minh, cần có hệ thống giao thông thuận tiện, chuyên biệt để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp thông qua việc hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, tổ chức đối thoại với các cơ quan, xây dựng thành phố như một phòng thí nghiệm để nuôi nấng các ý tưởng khởi nghiệp.

Đại biểu tham quan các giải pháp xây dựng thành phố thông minh (ảnh: Phú Khánh)

Đặc biệt, thành phố Cyberjaya rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân thông minh.

“Chúng tôi không dạy bài học khô khan cho trẻ em mà dạy trẻ chơi trò chơi để có đam mê từ nhỏ. Đồng thời dạy chúng đừng làm việc một mình, phải giữ suy nghĩ và làm việc như công ty khởi nghiệp…Thúc đẩy cộng đồng thông minh không chỉ công nghệ, mà cần tương tác giữa mọi người ở cộng đồng; Xây dựng thành phố kinh tế thông minh và thường xuyên truyền thông về xây dựng thành phố thông minh thông qua việc tổ chức triển lãm để mọi người biết, ủng hộ”- ông Richard Ker nói.

Thông tin về chủ đề này, ông Nguyễn Ngọc Kỳ- Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Hà Nội cho hay, việc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh được ưu tiên vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Công nghệ sẽ hỗ trợ cho quá tình này diễn ra thuận lợi hơn.

“Hà Nội đã triển khai vườn ươm doanh nghiệp, đây là sự chuẩn bị cho thành phố thông minh. Nói cho cùng, thành phố thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp phát triển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình thành phố thông minh như Cyberjaya thì còn nhiều việc phải làm”- ông Nguyễn Ngọc Kỳ nói.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết, quá trình xây dựng thông minh tại Hà Nội đã gặp phải không ít khó khăn do cách làm chưa đồng bộ, nhưng những khó khăn này đều đã được giải quyết.

Hiện tại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm trưởng ban chỉ đạo xây dựng thành phố thông minh nên mọi việc được quan tâm sát sao, khó khăn vướng mắc được tháo gỡ kịp thời.