Lương tối thiểu vùng 2019 được đề xuất tăng bao nhiêu?

ANTD.VN - Dự đoán mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có thể chỉ tăng khoảng 5-6% bởi về nguyên tắc, tốc độ tăng lương tối thiểu chỉ bẳng khoảng 70% mức tăng năng suất lao động.

Các chuyên gia cho rằng, lương tối thiểu 2019 vẫn tiếp tục tăng

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống kê tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2018 theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP, từ đó làm sở sở đề xây dựng đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2019. Việc thực hiện cần hoàn tất trước ngày 30-6.

Trước đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tiến hành khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập tại 5 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực may mặc, chế biến thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giày dép. Qua đó ghi nhận ý kiến của người lao động và doanh nghiệp làm căn cứ đề xuất với Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm tiếp theo.

Nhận định về tình hình tăng lương tối thiểu năm 2019, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho rằng, những đánh giá mới đây về năng suất lao động cho thấy, mối quan hệ giữa lương tối thiểu và năng suất lao động đang “vênh” nhau.

Theo đó, tốc độ tăng lương tối thiểu đang cao hơn tăng năng suất lao động. Tỷ lệ chênh lệch giữa lương tối thiểu so với năng suất lao động lên tới 50%, trong khi đó các nước chỉ ở mức 25-30%. Như vậy về mặt lí thuyết, tốc độ tăng lương tối thiểu có lẽ cần phải có những điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp hơn.

Dự báo mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, về nguyên tắc, tốc độ tăng lương tối thiểu chỉ bằng 70% mức tăng của năng suất lao động. Do đó, nếu như GDP của năm 2019 tăng 6,5-7%, mức độ tăng lương tối thiểu có thể chỉ trong vòng 5-6 %.

Về phía người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ quan điểm, mức lương hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, khiến nhiều người lao động phải sống chật vật. Năm 2019, người lao động vẫn tiếp tục đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, tiền lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu rất khó định lượng, vì mỗi người một nhu cầu khác nhau, vì vậy mỗi đơn vị khảo sát lại cho kết quả khác nhau. 

Để hạn chế bất cập, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi quy định hiện hành theo hướng thay vì đáp ứng “nhu cầu sống tối thiểu”, đổi thành “mức sống tối thiểu” và có các tiêu chí rõ ràng để xác định (như mức tiền lương phổ biến trên thị trường, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của người sử dụng lao động, điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động).

Những năm gần đây, vào thời điểm này, Hội đồng tiền lương Quốc gia bắt đầu có những động thái chuẩn bị cho các Phiên đàm phán tăng lương tối thiểu vùng của năm sau. Các chuyên gia lao động cho rằng, lương tối thiểu năm 2019 vẫn sẽ tăng.

Việc tăng lương tối thiểu vùng có thể khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm đi, nhưng bù lại tiến trình hội nhập và cắt giảm thuế xuất – nhập khẩu của Việt Nam vẫn giúp môi trường đầu tư hấp dẫn. Hơn nữa, người lao động cũng cần được trả công đủ sống để tái tạo sức lao động.

Năm 2017, qua 3 vòng thương lượng, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã xem xét và ban hành Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1-1-2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng.