Lương không đủ sống, người lao động bị vắt kiệt sức vì tăng ca

ANTD.VN - Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP. HCM), với mức lương tối thiểu hiện nay, người lao động không đủ sống nếu không làm thêm.

Người lao động buộc phải tăng ca vì lương không đủ sống

Chiều nay (10-7), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động, đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại phiên họp đàm phán lần 1 về nâng lương tối thiểu vùng 2020 trong tháng 6, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất ba phương án trong đó mức tăng cao nhất là 8,18% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ - chỉ đề xuất mức tăng 3%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng 5,2%.

Phân tích kỹ hơn về mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng cho hay, mức đề xuất này dựa trên tình hình phát triển kinh tế xã hội. Tới nay, chỉ số GDP tăng khoảng 7%, năng suất lao động cũng tăng xấp xỉ 6%. Đây là 2 chỉ số vĩ mô có ảnh hưởng tích cực tới việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2020.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu khẩu với tỷ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp ổn định.

Ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, với triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ các hiệp định CPTPP và EVFTA, tăng lương tối thiểu đủ sống là yếu tố tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài. Cho nên, mức đề xuất 3% là chưa phù hợp.

Đánh giá về mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP. HCM) cho rằng, theo khảo sát được công bố thì lương tối thiểu đã đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu, nghĩa là việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sống tối thiểu chỉ còn một tỉ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì đời sống của người lao động rất khó khăn. Người lao động buộc phải làm thêm để đủ trang trải đời sống.

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đã đặt mục tiêu, đến năm 2020 mức lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Cho nên, việc tính toán mức sống tối thiểu cần phải thay đổi để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Khuyến nghị về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, TS Nguyễn Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động) cho rằng, cần phân biệt rõ mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống khi các bên thảo luận về tiền lương tối thiểu.

Mức sống tối thiểu để tồn tại về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách giữa các thu nhập giữa các nhóm xã hội. Công đoàn nên khuyến khích việc thương lượng tập thể dựa trên mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống ở cấp ngành và doanh nghiệp.