Luật sư, chuyên gia phải có đạo đức tốt, ít nhất 10 năm kinh nghiệm mới được làm Hòa giải viên

ANTD.VN - Tiêu chuẩn của Hòa giải viên quy định trong dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được nhiều ĐBQH cho rằng quá cao như: phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng hoà giải, lại phải có kinh nghiệm ít nhất 10 năm…

ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu trực tuyến từ điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Sáng nay, 25-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây là dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến 1 lần tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).

Qua thảo luận, nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm liên quan đến phạm vi hòa giải, đối thoại; quy định về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; hay tiêu chuẩn về Hòa giải viên...

Theo đó, về tiêu chuẩn Hòa giải viên, dự thảo Luật quy định, ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) băn khoăn: “Tiêu chuẩn cao như thế này thì khó tìm được đội ngũ Hoà giải viên đa dạng thành phần. Hơn nữa, tiêu chuẩn Hoà giải viên ở Điều 1 của dự thảo phải có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, kinh nghiệm, có kỹ năng hoà giải, đối thoại... đã quá rõ nên không cần thiết yêu cầu nhóm Luật sư, chuyên gia có kinh nghiệm đến 10 năm”.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung đối tượng bổ nhiệm Hòa giải viên thêm các điều tra viên của các cơ quan điều tra, bởi đây cũng là lực lượng được đào tạo bài bản và có nhiều năm làm công tác pháp luật.

Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình giải đáp ý kiến ĐBQH trước Quốc hội

Đối với vấn đề các bên ngay từ đầu có quyền tự do lựa chọn Hòa giải viên, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung quy định thêm thông tin kết quả hoạt động của Hòa giải viên để các bên tham gia hòa giải có cơ sở lựa chọn, thay đổi.

Còn liên quan đến nhiệm kỳ của Hoà giải viên, một số ý kiến đề nghị là 5 năm thay vì 3 năm, thậm chí không quy định nhiệm kỳ của Hòa giải viên.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, việc quy định nhiệm kỳ 3 năm như dự thảo Luật nhằm khuyến khích các Hòa giải viên nỗ lực phấu đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để tiếp tục được tái bổ nhiệm; đồng thời tạo cơ chế sàng lọc kịp thời những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc do hạn chế về sức khỏe, năng lực…

Song theo ĐB Lưu Thành Công, 3 năm là quá ngắn. Bởi, quy trình lựa chọn Hoà giải viên là rất kỹ, tiêu chuẩn khá cao, thủ thục bổ nhiệm chặt chẽ mà chỉ sau 3 năm, đúc rút được kinh nghiệm thì đã hết nhiệm kỳ. Dù có thể được bổ nhiệm lại nhưng quy định thời gian ngắn khiến tâm lý không yên tâm, chưa kể thủ tục bổ nhiệm lại gây tốn kém.

Tại phiên thảo luận, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình cho biết, về vấn đề Hòa giải viên là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, quy định này nhằm bảo đảm chất lượng các Hoà giải viên để bảo đảm giải quyết các vụ việc của người dân được tốt hơn.

Ngoài ra, Chánh án TAND TC cũng giải trình về một số vấn đề đại biểu quan tâm như phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phạm vi hoạt động của Hòa giải viên; thủ tục ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành…